5 giờ 30, cả khu dân cư phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội bị thức dậy sớm bởi tiếng gõ cửa gấp gáp. Chủ nhân của mấy chục ngôi nhà hốt hoảng mở cửa nhận tin nóng: “Đối tượng giết người nguy hiểm đang ở trong khu vực này, đề nghị các gia đình đóng cửa tum và hợp tác giúp công an bắt đối tượng”.
Những tiếng giày chạy rào rào trên mái tôn, hơn chục người thấp thoáng ẩn hiện trên các nóc nhà. Một cuộc vây bắt nghẹt thở của các lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), công an phường... trong lúc kẻ sát nhân sẵn sàng tư thế tự tử.
Đối tượng Mai Quốc Nam trên nóc nhà ở phường Kim Mã, Hà Nội.
3 tiếng rưỡi nghẹt thở
Cuộc truy bắt đối tượng Mai Quốc Nam diễn ra sáng 5-6 nhưng phải sau đó mấy ngày, chúng tôi mới gặp được những người tham gia cuộc rượt đuổi đầy nguy hiểm nhưng vô cùng ly kỳ ấy. Trung tá Bùi Mạnh Cường, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Ba Đình trong bộ trang phục công an, khác hẳn với hình ảnh “bụi bặm” đầy chất lính hình sự mà chúng tôi nhìn thấy trong clip quay tại hiện trường, khi anh đứng trên nóc nhà cao tầng khuyên nhủ đối tượng. Chúng tôi hình dung được một cuộc rượt đuổi như những thước phim hành động qua lời kể của anh.
“22h30 ngày 4-6, tại trụ sở Công an quận Ba Đình, không khí oi bức. Tôi trải giường xếp định chợp mắt thì nhận tin báo qua điện thoại: Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Bình Thuận truy tìm một đối tượng gây án nguy hiểm đang lẩn trốn trên địa bàn. Đối tượng là Mai Quốc Nam - nghi phạm trong vụ án dùng búa giết người cướp tài sản ngày 2-6 tại Bình Thuận. Hắn có 1 tiền án cướp tài sản năm 2010, nghiện ma túy, sử dụng xe máy Exicter.
Ngay lập tức tôi huy động một tổ công tác 6 thành viên phối hợp cùng Công an phường Kim Mã và các lực lượng khác tổ chức xác minh. Thông tin ban đầu cho biết đối tượng đang lẩn trốn ở phường Kim Mã. Nhưng, phường Kim Mã dân cư đông, nhiều ngõ ngách, việc xác định nơi đối tượng ẩn nấp trong thời gian cực ngắn là rất khó khăn. Chúng tôi phải rà từng địa chỉ, đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn.
Thời gian sau dịch COVID-19 khách lưu trú thưa thớt nên việc rà soát không mất quá nhiều thời gian. Tuy nhiên, đối tượng không có trong nhà nghỉ. Tiếp tục rà soát các địa điểm nghi vấn hắn có quan hệ thân thiết cũng chưa thấy tăm hơi. Chúng tôi phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ. Mọi việc triển khai thật nhanh chóng.
3h ngày 5-6, các lực lượng phối hợp xác định đối tượng Mai Quốc Nam đang lẩn trốn tại tầng 2 số nhà 253 Kim Mã. Công tác triển khai truy bắt cần nhanh gọn nhưng phải rất thận trọng và không được phép sơ sẩy. Vì Nam là đối tượng nguy hiểm, có thể sẽ liều lĩnh và manh động khi bị truy bắt. Trước tiên phải xác định các lối ra vào và hướng đối tượng có thể tẩu thoát để lên phương án. Chúng tôi đề nghị hỗ trợ của các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, cảnh sát đặc nhiệm, cảnh sát PCCC&CNCH để đảm bảo an toàn cho người dân và đề phòng đối tượng manh động.
Đối tượng Mai Quốc Nam sau khi bị bắt. |
5h. Sau khi sử dụng ma túy đá, Nam thò đầu ra ngoài quan sát. Thấy một số người lạ, hắn lo sợ bị bắt nên trèo ra ban công tầng 2, bám theo ống thoát nước, trèo lên tầng 3. Lực lượng truy bắt đột nhập vào căn nhà số 253 Kim Mã. Thấy bị phát hiện, Mai Quốc Nam di chuyển liên tục trên các mái nhà liền kề, bay qua nóc nhà nơi có con ngõ. Một số trinh sát của Cục Cảnh sát hình sự lên xe thang của cảnh sát PCCC kêu gọi đối tượng đầu hàng.
Một tổ công tác triển khai công tác cứu nạn cứu hộ. Nhóm khác “bay” lên nóc nhà, bên dưới có một tổ công tác bám theo. Một tốp đi gõ cửa các ngôi nhà, yêu cầu người dân đóng cửa tum, lối xuống từ mái nhà để đảm bảo an toàn, tránh bị đối tượng giữ làm con tin. Một mặt chúng tôi đề nghị người dân phối hợp phát hiện và bắt đối tượng.
Tôi chọn một ngôi nhà cao tầng nhất trong khu vực, gõ cửa xin trèo lên trên. Ở tầng 6 ngôi nhà này có thể quan sát rõ nhất. Lúc này, Mai Quốc Nam đứng cách đó mấy nóc nhà, khoảng cách chừng 20-30m, có thể nghe thấy tôi nói. Đối tượng mặc áo trắng, quần tối màu, đang gọi điện thoại cho ai đó, trông rất mất bình tĩnh, có dấu hiệu muốn tự sát.
Tôi gọi anh ta, vừa động viên để đối tượng không manh động, vừa để nắm bắt diễn biến tâm lý: “Nam ơi bình tĩnh. Nghe anh nói này! Nghỉ đi!”. “Em không đi với các anh đâu. Em chào các anh em đi đây!” - đối tượng đáp.
Tình huống này không thể chọn phương án đưa anh em lên áp sát đối tượng, vì hắn đang bị kích động, sẵn sàng nhảy xuống bỏ tính mạng, lại vừa nguy hiểm cho lực lượng truy bắt. Đối tượng gọi điện xong, đột ngột từ nóc nhà “bay” qua con ngõ sang mái tôn hướng đối diện đánh “rầm” một tiếng.
Hắn tiếp tục phi qua các con ngõ khác như bay trên không rồi dừng lại ở ngôi nhà sơn trắng có cột thu phát sóng. Hắn giật cửa vào trong nhưng không được nên lấy thang nhôm di chuyển tiếp. Tôi cũng vượt mái nhà, lao theo hắn, nằm phục trên một nóc nhà định đón lõng. Nhưng, tới 10 phút sau vẫn không thấy hắn xuất hiện.
7h30’. Chúng tôi hoàn toàn mất dấu đối tượng tại khu vực tầng 5 một ngôi nhà trên phố Núi Trúc, phường Kim Mã. Cả lực lượng trên mái nhà lẫn dưới mặt đất phải dò tìm từng địa chỉ. Chúng tôi lường trước tình huống có thể hắn đột nhập từ nóc nhà xuống rồi bắt cóc con tin để ra điều kiện với lực lượng truy bắt nên tiếp tục gõ cửa các nhà dân.
Xác định đối tượng chưa thể đi khỏi khu vực này, chúng tôi dần siết chặt vòng vây, khoanh vùng 5 mái nhà. Nhưng, hắn như bốc hơi trước mắt chúng tôi. Nếu không bắt được hắn hôm nay thì trước mắt sẽ là một hành trình dài giống như việc truy bắt đối tượng Triệu Quân Sự trốn trại đang diễn ra ở đèo Hải Vân, sẽ vô cùng mệt mỏi. Nghĩ tới công sức của bao anh em từ đêm qua chẳng lẽ đổ xuống sông, cảm giác thật buồn, thậm chí là nản. Nhưng, chúng tôi không bỏ cuộc.
7h40’. Tôi đứng trên một nóc nhà, tầng 5, cạnh một khoảng hẹp giữa 2 ngôi nhà treo cục nóng điều hòa. Nhìn chiều thẳng đứng xuống phía dưới không thấy dấu hiệu nào của hắn, tôi nghiêng người, chuẩn bị rời vị trí thì thấy thoáng qua một bờ vai màu sáng ép sát trong khe hẹp ở tầng 3. Hắn đây rồi! Tôi thầm nghĩ, cảm xúc thật khó tả. Tôi bí mật báo cho đồng đội, một mặt đánh lạc hướng đối tượng, để hắn chủ quan.
Lực lượng hỗ trợ đã áp sát nhưng không thể tiếp cận vì diện tích nơi hắn đứng quá hẹp. Hắn cũng không thể tự sát trong không gian đó. Nếu muốn tự sát thì hắn phải trèo lên trên cục nóng điều hòa mới có lối thoát ra ngoài. Nhưng, đây là tầng 3. Chỉ còn lối thoát duy nhất là nhảy xuống ngõ.
7h50’. Từ tầng 5 tôi gọi Mai Quốc Nam ở khe tầng 3: “Nam ơi lên đi. Anh cho người xuống kéo em lên đây nhé!”. Hắn bảo: “Thôi em chán lắm rồi”. Nói rồi hắn bám vào đường ống bảo ôn, leo lên cục nóng. Dưới mặt đất, phương án đón hắn được triển khai cấp tập. Một tấm đệm của nhà dân trải ra mặt ngõ theo vị trí dự đoán hắn có thể nhảy xuống tự sát. Lưới giăng sẵn chờ “con mồi”. Quả đúng như dự đoán.
8h, Mai Quốc Nam từ tầng 3 lao đầu xuống đất. Nhưng, tấm đệm đã cứu hắn. Nằm trên tấm đệm, hắn thở dốc. Có lẽ hắn đang hoảng loạn. Xe cứu thương đưa hắn về Bệnh viện 19-8 kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ xác định hắn không bị chấn thương. Ngay trong ngày, Mai Quốc Nam đã được bàn giao cho Công an tỉnh Bình Thuận để điều tra theo thẩm quyền. Lúc này anh em chúng tôi mới thở phào, nhìn lại, thấy ai cũng quần áo ướt sũng vì mồ hôi. Sự căng thẳng suốt từ 22h30’ đêm hôm trước trong thời tiết oi bức đến giờ mới được trút bỏ”.
Trung tá Bùi Mạnh Cường đứng trên nóc nhà khuyên nhủ đối tượng; Mai Quốc Nam trốn trong khe hẹp tầng 3 của một ngôi nhà (ảnh cắt từ clip của Trung tá Bùi Mạnh Cường quay từ tầng 5).
Thành công do biết dựa vào dân
Có lẽ với Trung tá Bùi Mạnh Cường và nhiều đồng đội, đây là cuộc vây bắt đặc biệt. Trên các nóc nhà hôm đó còn có nhiều đồng đội khác sát cánh cùng anh. Trung úy Tú (Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Ba Đình) chiếm lĩnh điểm cao quan sát di biến động của đối tượng, đồng chí Phó Công an phường Kim Mã cũng tên Tú xông pha trên hiện trường, một Phó Công an phường Kim Mã khác là Đại úy Bùi Tuấn Bình bị thương ở tay trong lúc di chuyển trên nóc nhà...
Dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, hơn 20 cán bộ chiến sĩ của Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Bình Thuận, khoảng 100 cán bộ chiến sĩ của Phòng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, Công an quận Ba Đình, Công an phường Kim Mã cùng tham gia truy bắt đối tượng. Tất cả đều phối hợp nhịp nhàng, từ kết hợp sử dụng biện pháp nghiệp vụ đến việc truy đuổi và bắt đối tượng. Kết quả là cả lực lượng đánh án, bà con khu dân cư cho đến đối tượng, đều an toàn. Nhiệm vụ của những người chiến sĩ công an đã hoàn thành xuất sắc.
Cho đến hiện tại và cả sau này, chắc cuộc rượt đuổi trên những nóc nhà ở thủ đô lúc bình minh sẽ là kỷ niệm khó quên của những người đánh án. Họ kể với chúng tôi rằng, điều bất lợi khi triển khai vây bắt đối tượng là thời điểm. Từ lúc rà soát (đêm khuya) cho tới khi đối tượng lộ diện (sáng sớm) là thời gian người dân đang ngủ say. Việc gõ cửa nhiều nhà dân khiến một số người khó chịu, thậm chí có gia đình không hợp tác vì sợ liên lụy hoặc cảnh giác thái quá, quyết không cho cảnh sát vào nhà và lên nóc. Thế nhưng, cũng đã có rất nhiều người tích cực giúp đỡ lực lượng làm nhiệm vụ.
Sự hỗ trợ của người dân từ khi xác định chính xác nơi đối tượng ẩn nấp cho đến lúc huy động vật dụng hỗ trợ cho việc quây bắt là những yếu tố quan trọng góp phần bắt được đối tượng. Nhiều người dân theo dõi quá trình hành động của các cán bộ chiến sĩ công an, khi bắt được đối tượng đã vỗ tay vui mừng tán thưởng. Nhiều người dân còn ngỡ công an đang truy bắt đối tượng Triệu Quân Sự vừa trốn khỏi trại giam.
Trung tá Bùi Mạnh Cường kể lại chi tiết khá thú vị: “Khi bắt được đối tượng, nhiều người dân xông vào chửi, thậm chí là đánh hắn. Một phụ nữ khoảng 60 tuổi vừa lao vào đánh đối tượng, vừa trách công an: “Đuổi bắt hắn từ đêm qua mà không báo tổ dân phố để tôi huy động người hỗ trợ”. Chúng tôi phải ngăn người dân lại: “Xin bà con dừng tay. Chúng tôi đã phải cố gắng giữ mạng sống cho đối tượng để đưa về phục vụ công tác điều tra”.
Quá trình vây bắt, các cán bộ chiến sĩ thuộc nhiều đơn vị phối hợp nên nhiều người không biết nhau. Thế nên lúc chạm trán trong nhà, trên ngõ, mọi người đều phải nhận biết nhau qua tác phong, hoặc trao đổi bằng dấu hiệu đặc biệt để phối hợp thuận lợi.
3 tiếng rưỡi căng thẳng truy bắt đối tượng nguy hiểm, cuối cùng thì các lực lượng phối hợp đã đạt được thành công như mong đợi. Mai Quốc Nam được di lý về Bình Thuận ngay trong ngày để phục vụ công tác điều tra. Vụ việc khép lại với các cán bộ chiến sĩ công an ở Hà Nội nhưng với Công an tỉnh Bình Thuận, họ lại bắt đầu bước sang một giai đoạn mới của hành trình điều tra vụ án.
Đối tượng vừa gây trọng án
Mai Quốc Nam (SN 1981, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Khoảng 5h ngày 2-6, chị Đào Thị Kiều Trang ở Phường Xuân An, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận mở cửa quán cà phê thì bị một thanh niên đeo găng tay, bịt khẩu trang dùng búa đinh đánh liên tiếp vào đầu. Anh Đào Hùng là em ruột chị Trang chạy ra thì bị đối tượng tiếp tục dùng búa đánh liên tiếp. Sau đó, đối tượng điều khiển xe máy Exicter bỏ trốn. Hai nạn nhân được đưa đi cấp cứu, chị Trang trong tình trạng nguy kịch.
Công an tỉnh Bình Thuận báo cáo Cục Cảnh sát hình sự và khởi tố vụ án giết người. Ngay say đó, Phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Bình Thuận điều tra xác định đối tượng gây án là Mai Quốc Nam ở Hà Nội và tiến hành truy bắt.
Bình luận (0)