xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lo mất mạng vì bức tượng nằm dưới chuồng heo

Theo Lê Tám Bảy (Báo Pháp Luật Việt Nam)

Dư luận đồn đại nên cả gia đình người đào được bức tượng dưới chuồng heo nơm nớp lo mất mạng

Dư luận gần đây xôn xao chuyện anh Nguyễn Văn Tứ (thường gọi Bốn, 52 tuổi, ngụ thôn Thủy Yên Hạ, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đào được bức tượng Phật nghi là tượng cổ.

"Hàng xóm nơi đây cứ đồn đại nói có người hỏi mua 2 tỉ, 3 tỉ, thậm chí 14 tỉ đồng. Bạn bè khắp nơi điện thoại hỏi thăm về sự việc, tôi chỉ biết cười. Vì sợ kẻ gian, không chừng họ đến giết người cướp của nên số lạ điện tới tôi tuyệt đối không nghe", anh Tứ tâm sự.

Lời đồn tiền tỉ

Mới đặt chân vào thôn Thủy Yên Hạ hỏi nhà anh Tứ, hầu như ai cũng biết. Một người kể: “Anh vào xem tượng chứ gì? Khi mới phát hiện bức tượng này, cả làng tôi đều tới đó xem. Nhưng hồi sáng, tôi đến xin xem lần nữa, mong sờ vào tượng để lấy may nhưng anh Tứ không đồng ý. Nghe đâu có người trả đến 2 tỉ mà gia đình anh ấy chưa bán. Chắc anh Tứ sắp đổi đời rồi”.

Sau một hồi ngần ngại, chủ nhân của bức tượng mới mở lòng. Anh kể: khoảng 5h15 chiều 31/3/2017, anh đào đất làm chuồng heo thì bị vướng cây lộc vừng. Anh phải bứng cây này ra trồng ở phía sau vườn nhà mình (cách chuồng heo chừng 50m-PV). Đào hố xuống 0,8 mét, anh phát hiện một bức tượng Phật làm bằng đá, được chạm khắc khá đẹp lộ ra liền mang lên để một bên cái chuồng heo đang xây.

Anh kể khi đào được “cổ vật” này anh không muốn con cái và người trong nhà thấy nên đã giấu đi. “Tôi để bức tượng đằng sau nhà để giấu con cái, đợi đến hôm sau khi chúng nó đi học hết mới đem ra lau chùi. Vì lúc này, tôi cũng không biết nó có phải là đồ cổ hay không, nếu con tôi nhìn thấy rồi nói ra ngoài thì không hay.

Thế nhưng, sáng sớm hôm sau, một bà hàng xóm tìm vịt đi ngang qua chuồng heo phát hiện bức tượng. Dù không hỏi ý kiến tôi nhưng người này gọi chồng đến mang tượng ra lau chùi. Rồi những người hàng xóm khác cũng biết chuyện, ùn ùn kéo đến xem rồi chụp hình đăng lên Facebook. Mọi rắc rối của gia đình tôi đến từ đó”, anh Tứ nói.

Nhận tin báo của dân, cán bộ Phòng Văn hóa huyện Phú Lộc đã đến kiểm tra hiện vật để có phương án bảo vệ và báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền xem xét. Qua đo đạc, tượng phật cao 69cm, nơi rộng nhất được 23cm, nặng 21,5kg.

Theo quan sát, Tượng đứng trên tòa sen, được tạc trên đá nguyên khối màu trắng, có sọc đỏ chạy dọc theo thân tượng. Phần đầu của tượng được chạm khắc tinh xảo,cầu kỳ nhưng phần thân khá đơn giản, họa tiết suôn thẳng. Ngón trỏ và ngón cái của tay trái chụm vào nhau, lòng bàn tay ngửa về phía trước. Tay phải nắm lại đưa lên ngang hông để nghiên. Tượng tóc xoăn, tai lớn, dái tai dài như hình dáng của Phật.

Anh Tứ nói, sau khi bức tượng do anh đào được đăng lên Facebook, dư luận bắt đầu xuất hiện những tin đồn anh đào được “tượng cổ” và chuẩn bị bán với giá hàng tỷ đồng. Một đồn mười, mười đồn trăm nên đến ngày 6/4, anh phải giấu bức tượng này ở trên gác nhà, xung quanh nhiều để bìa giấy các tông dựng đứng, những người hiếu kỳ muốn tận mắt xem “tượng cổ” không thể quan sát được. Hằng ngày, anh phải phải bắc thang lên để thắp hương, khấn vái tượng Phật.

Người vợ của anh Tứ cho biết: “Vợ chồng chúng tôi chẳng biết bức tượng đó linh thiêng, quý giá thế nào nhưng thấy người ta quan tâm, hỏi thăm nên cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn hoàn toàn. Cả tuần qua, chúng tôi phải bỏ dở công việc đồng áng để ở nhà trông coi bức tượng. Nhiều người muốn đến xem nhưng chúng tôi không cho. Người tới xem nhiều quá nên tôi phải đóng cửa vì sợ có người xấu tới “cướp” tượng Phật đi mất.

Cửa ngõ nhà không an toàn nên vừa rồi tôi mới làm cửa sổ lại. Hằng đêm, cả nhà ngủ nhưng cứ nghe tiếng chuột chạy là vợ chồng tôi liền thức dậy vì sợ trộm lẻn vào. Mới một tuần mà chồng tôi sụt tới 5kg. Giờ tôi chỉ mong cơ quan chức năng nhanh chóng đưa ra kết luận giá trị thật của bức tượng Phật để gia đình tôi được yên ổn”.

Anh Tứ tiếp lời vợ: “Hiện tại tôi xin khẳng định chưa có ai hỏi mua bức tượng dù chỉ là một nghìn đồng chứ đừng nói tiền tỷ. Thế nhưng, hàng xóm nơi đây cứ đồn đại nói có người hỏi mua 2 tỷ, 3 tỷ, thậm chí 14 tỷ đồng. Bạn bè khắp nơi điện thoại hỏi thăm về sự việc, tôi chỉ biết cười. Vì sợ kẻ gian, không chừng họ đến giết người cướp của nên số lạ điện tới tôi tuyệt đối không nghe.

Gần đây, cô con gái của tôi bán hàng ở siêu thị TP.HCM cũng điện hỏi “Ba mới bán được bức tượng Phật giá 2 tỷ đồng à? Có tiền rồi coi sửa sang lại nhà cửa ba nhé!”. Nghe những lời con gái nói, tôi phải giải thích rất mệt”. Người đàn ông này vừa nói, vừa cười.


Bức tượng do anh Tứ đào được.

Bức tượng do anh Tứ đào được.

Gia đình anh cũng tính để dư luận yên ắng thì anh sẽ đem tượng Phật xuống thờ. Anh Tứ cho biết thêm, gia đình anh vốn có duyên với đạo Phật khi cả ông nội và bố của anh đều cạo đầu tu tại gia sau khi mới cưới vợ. Ngoài ra, nhiều anh em trong dòng tộc của anh Tứ cũng đi tu. Bên gia đình vợ của anh có đến 4 người cháu đi tu.

“Được biết đến là một gia đình có truyền thống với cửa Phật bậc nhất vùng này nhưng riêng tôi thời gian qua không hề đến chùa cũng như không thờ Phật. Mới đây, tôi bất ngờ đào được tượng nên ai nấy đều gọi là cái duyên.

Sau khi nhặt được “bảo vật” này, chúng tôi hy vọng sẽ đem lại điềm may cho gia đình. Cậu con trai của tôi đang học lớp 3, chịu khó, thông minh nhất nhà nhưng vốn thích ăn chay, mới đây có xin tôi học xong năm học này sẽ lên chùa quy y cửa Phật”.

Chỉ là bức tượng giả cổ

Vợ chồng anh Tứ đều là nông dân, anh chị có với nhau 7 người con (5 gái, 2 trai). Cả làng anh mới chuyển đến khu vực này để sinh sống cách đây 10 năm. Đây trước là vùng đồi núi hoang vu, trâu bò vào còn bị lạc. Vào năm 1996, bắt đầu dự án trồng mía đường của Ấn Độ thì có người qua lại. Khi dự án này được triển khai nhiều máy móc đã được đưa đến đây, tuy nhiên trong quá trình đào xới đất lại không phát hiện các di chỉ khảo cổ nào.

Giải thích về nguồn gốc của bức tượng, anh Tứ nhận định: “Nhiều người nói đó là bức tượng Phật cổ, có niên đại hằng trăm năm. Họ cho rằng, trước đây có người đi buôn đồ cổ nhưng vì lý do nào đó nên người này để lại. Khi quay lại tìm, vì rừng hoang, không có dấu vết nên người buôn đồ cổ này không tìm ra tượng Phật.

Nhưng theo tôi cũng như một số bậc cao niên trong làng, vào thời kỳ trồng mía cách đây chừng 20 năm, các kỹ sư, cán bộ người Ấn Độ có dựng lều ở khu vực này, họ đem tượng Phật theo để thờ. Đến thời kỳ nhà máy sụp đổ, những người này không thể đem bức tượng to lớn kia về nước nên đành chôn lại nơi đây”.

Để tìm hiểu thêm thêm bức tượng Phật trên, trong ngày 5/4, phóng viên đã trao đổi với ông Tống Phước Phúc (Phó phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Lộc), theo vị này, đây là lần đầu tiên địa phương phát hiện tượng phật kỳ lạ như vậy. Qua đánh giá sơ bộ bức tượng trên không phải là cổ vật mà là đồ giả cổ. Chất liệu làm tượng không phải đá sa thạch, trọng lượng chỉ là 21,5kg là quá nhẹ so với đá sa thạch.

Có thể bức tượng trên được đúc từ hỗn hợp giữa đá và nhựa tổng hợp. Kỹ thuật chế tác tượng không phải thủ công truyền thống và có dấu hiệu sử dụng máy móc công nghiệp bởi bề mặt ngoài tượng và chân đế không có dấu hiệu đục đẽo, chạm khắc.

“Chúng tôi đã lập biên bản, yêu cầu gia đình ông Nguyễn Văn Tứ giữ nguyên hiện trạng tượng Phật. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên – Huế để kiểm tra chắc chắn đó là đồ giả cổ hay không và sẽ có thông báo chính thức trong thời gian sắp tới”, ông Phúc nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo