Một hôm gã kỹ sư thình lình báo tin: “Tàu của anh gặp cướp biển. Anh sẽ chuyển rất nhiều vàng và USD cho em giữ”. Bà T. vốn là người nội trợ chăm đọc báo nên dễ dàng bóc mẽ thủ đoạn lừa đảo của y. Đáng tiếc là, không phải ai cũng tỉnh táo như bà T.
"Kỹ sư gặp cướp biển"
Trong mấy ngày gần đây, bà Lê Thị K.T. (SN 1962, trú tại TP. Vũng Tàu) liên tục nhận được tin nhắn và điện thoại thông qua mạng viber của một người bạn mới quen có tên Middleman. Trước đó, người đàn ông này đã đề nghị kết bạn với bà T. qua facebook, sau khi bà T. nhận lời kết bạn, người này đã hủy tài khoản facebook và chuyển sang liên lạc qua viber.
Chỉ sau vài ngày làm quen, người đàn ông này nhanh chóng kết thân và bày tỏ tình cảm với bà T. Thông qua phần mềm dịch ngôn ngữ trên Internet và nhờ người quen phiên dịch, bà T. được biết Middleman làm nghề kỹ sư cơ khí và đang đi tàu dịch vụ dầu khí trên biển.
Nhằm tạo lòng tin, Middleman còn gửi hình ảnh của bản thân cho bà T. Sau nhiều ngày bày tỏ tình cảm, người đàn ông này tỏ ý muốn tặng quà, đồng thời gửi hình ảnh các loại túi xách, đồ trang sức để bà T. lựa chọn. Thình lình một hôm, Middleman báo cho bà T. biết tàu của anh ta gặp “cướp biển” nên sẽ gửi toàn bộ tài sản quý giá (trong đó có rất nhiều tiền USD và vàng) về Việt Nam, nhờ bà T. nhận giùm.
Những ngày sau đó, Middleman liên tục nhắn tin, gửi email và gọi viber cho bà T. để thông báo về tình trạng của thùng hàng “quý” và dặn bà T. chuyển khoản số tiền 2.180 USD khi công ty vận chuyển yêu cầu.
Đến ngày 16-11, một giọng phụ nữ gọi điện tới (ẩn số điện thoại) thông báo cho bà T. biết Hải quan Tân Sơn Nhất đang giữ một thùng hàng với nhiều tài sản giá trị, đề nghị bà T. phải chuyển khoản tiền thuế, công vận chuyển để nhận hàng. Bản thân Middleman cũng liên tục gọi điện, nhắn tin, gửi email hối thúc. Chỉ đến khi, bà T. gửi hàng loạt link các bài báo, đoạn video cảnh báo về tình trạng người nước ngoài lừa đảo qua mạng xã hội cho Middleman, gã này lập tức ngừng liên lạc. Bà T. sau đó đã trình báo vụ việc đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh BR-VT.
Không phải ai cũng tỉnh táo
Trước khi tiếp nhận thông tin trình báo của bà T., Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cũng đã tiếp nhận vụ việc chị T.L.V. (trú tại TP. Bà Rịa) bị lừa đảo mất 680 triệu đồng và một số phụ nữ khác gửi đơn trình báo, tố giác về thủ đoạn lừa đảo. Hầu hết các vụ việc đều có chung kịch bản tương tự như người đàn ông tên Middleman đã đưa ra với bà T. Điều đáng nói, có nạn nhân cả tin trước lời yêu thương giả mạo và những tài sản ảo mà đối tượng đưa ra dụ dỗ, họ đã chuyển từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng cho kẻ lừa đảo.
Thượng tá Đặng Văn Hồng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, mặc dù thủ đoạn lừa đảo cũ, các phương tiện truyền thông đã thường xuyên phản ánh về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này, nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện những nạn nhân mới với số tiền thiệt hại rất lớn. Công tác điều tra các vụ án này khó khăn do nhiều yếu tố như: Tội phạm sử dụng mạng xã hội, có sự liên kết của đối tượng người Việt Nam và nước ngoài, các tài khoản ngân hàng thường lập bằng CMND giả, giao dịch chỉ một lần, bản thân nạn nhân che giấu sự việc, công tác hợp tác quốc tế còn khó khăn... “Vì vậy, khi sử dụng mạng xã hội, mọi người cần cân nhắc, đánh giá đúng thông tin cũng như các mối quan hệ, nhất là quan hệ với người mới quen trên mạng, cân nhắc trước các giao dịch chuyển tiền, nếu có nghi vấn thì phải trao đổi với nhân viên ngân hàng để xác minh thông tin, nhằm tránh thiệt hại tài sản, tổn hại cả tinh thần, tình cảm khi lỡ trao gửi yêu thương, hy vọng cho những người xa lạ!”, Thượng tá Đặng Văn Hồng khuyến cáo.
Bình luận (0)