Tốt nghiệp ĐH Luật và là người thực thi pháp luật nhưng Lê Thanh Tuấn (SN 1972- ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) - nguyên chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Vĩnh Long lại cố tình làm giả giấy xác nhận THA để giúp một phạm nhân tội “Mua bán phụ nữ” được đặc xá tha tù trước hạn.
Biết sai nhưng vẫn phạm
Gia đình Lê Thanh Tuấn và Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1968) sống gần nhau từ khi cả 2 còn nhỏ và cũng chính mối thâm tình này mà Tuấn đã “lách luật, làm sai” giúp người cùng xóm thoát vòng lao lý.
Theo bản án hình sự phúc thẩm số 356/2008/HSPT ngày 28/3/2008 của TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hằng bị phạt 12 năm tù giam tội “Mua bán phụ nữ” và phải bồi thường cho các bị hại là ông Nguyễn Hữu Phương cùng con gái Nguyễn Thị Ngọc Nga và chị Nguyễn Ngọc (ở ấp Tân Bình, xã Tân Hội) tổng cộng 3.100 USD và 30 triệu đồng. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Phương và chị Nga làm đơn gửi Cục THADS tỉnh Vĩnh Long yêu cầu THA, riêng chị Ngọc không gửi đơn yêu cầu.
Thời gian này, do Hằng đang chấp hành hình phạt tù, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ mới nộp được khoản tiền phạt và thu nhập bất chính. Riêng số tiền bồi thường cho ông Phương và chị Nga gồm 1.550 USD và 22,5 triệu đồng, gia đình Hằng chưa trả được nên Cục THADS tỉnh Vĩnh Long đã làm thủ tục trả đơn cho ông Phương và chị Nga.
Cuối năm 2011, trong một lần đến thăm Hằng tại Trại giam số 4 thuộc Tổng cục VIII- Bộ Công an ở tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Đôi (anh rể Hằng) nghe Hằng kể lại muốn được giảm án tha tù theo diện đặc xá thì phải có giấy xác nhận kết quả THADS của cơ quan THA tại địa phương.
Do có quen biết từ trước với Tuấn- lúc đó là chấp hành viên của Cục THADS tỉnh Vĩnh Long, nên ông Đôi đến gặp Tuấn nhờ giúp đỡ giấy xác nhận THA cho Hằng được đặc xá dịp lễ Quốc khánh 2/9. Tuấn nhận lời, hướng dẫn ông Đôi “không có tiền bồi thường thì thương lượng với bên THA, nếu họ đồng ý ký tên mới cấp được giấy xác nhận”.
Theo đó, ông Đôi xin mẫu đơn tự nguyện THA đem về cho bà Nguyễn Thị Thu Hồng (mẹ phạm nhân Hằng) ký rồi nộp cho Cục THADS tỉnh Vĩnh Long và Tuấn được phân công thụ lý vụ việc này.
Sau đó, theo tư vấn của Tuấn, ông Đôi đến gặp ông Phương thương lượng và hứa sẽ đưa trước 10 triệu đồng tiền bồi thường, số còn lại sẽ trả tiếp khi bà Hằng được tha tù về.
Ngày 29-12-2011, ông Phương đồng ý cùng ông Đôi đến gặp Tuấn tại Cục THADS tỉnh Vĩnh Long làm thủ tục và Tuấn đã chỉ đạo cho thư ký giúp việc là Võ Thành Phước ghi biên bản giao nhận tiền THA với nội dung: “Số tiền giao nhận là 1.550 USD và 22,5 triệu đồng tương đương 32.605.000 đồng. Ông Phương và chị Nga đã nhận đủ tiền không có ý kiến gì khác”.
Thực tế, không có việc giao nhận tiền giữa 2 bên và lúc này cũng không có mặt chị Nga nên Tuấn yêu cầu chị Nga đến mới được ký biên bản.
Ngày 5-1-2012, ông Phương và chị Nga đến gặp Tuấn ký tên vào biên bản và được ông Đôi đưa 10 triệu đồng bên ngoài hành lang phòng làm việc của Tuấn. Chiều cùng ngày, Tuấn mang biên bản giao nhận tiền nói trên về đưa cho bà Hồng ký tên tại nhà.
Đối với số tiền bồi thường 1.550 USD và 7,5 triệu đồng cho chị Ngọc, mặc dù không có đơn yêu cầu THA nhưng Tuấn vẫn yêu cầu ông Đôi thuyết phục bà Lê Thị Em (mẹ chị Ngọc) ký vào biên bản giao nhận tiền THA.
Chiều 21/2/2012, khi ông Đôi chở bà Em đến, Tuấn đã trực tiếp lập biên bản giao nhận tiền với nội dung: “Bà Em đã nhận đủ 1.550 USD và 7,5 triệu đồng của gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hồng”. Sau đó, ông Đôi đưa cho bà Em 10 triệu đồng tại nhà như đã hứa.
Không nhận được tiền, tố chấp hành viên
Sau khi lập 2 biên bản khống nêu trên, Tuấn hoàn thiện hồ sơ trình lãnh đạo Cục THADS tỉnh Vĩnh Long ký rồi mang đến giao cho gia đình bà Hồng để nộp Trại giam số 4 làm thủ tục đặc xá cho Hằng.
Theo đó, Trại giam số 4 đã đề nghị xét đặc xá cho phạm nhân Hằng với nội dung trong thời gian thi hành án tù, Hằng đã chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung, về trách nhiệm dân sự đã bồi thường xong số tiền 3.100 USD và 30 triệu đồng cho các bị hại.
Trên cơ sở đó, ngày 29-8-2013, phạm nhân Nguyễn Thị Thu Hằng được Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước hạn 3 năm 9 tháng 20 ngày.
Sau khi được tha tù về nhà, Hằng không có tiền trả tiếp các khoản bồi thường như ông Đôi đã hứa nên ông Phương làm đơn tố cáo việc làm giả biên bản giao nhận tiền THA của Tuấn.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định động cơ của Tuấn trong việc làm giả giấy xác nhận kết quả THA không có tiêu cực mà chỉ nhằm mục đích giúp Hằng được đặc xá. Tuy nhiên, hành vi của Tuấn đã đủ yếu tố cấu thành tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại khoản 2, Điều 284 Bộ luật Hình sự nên Công an TP Vĩnh Long đã khởi tố vụ án.
Đối với ông Đôi đã có hành vi nhờ Tuấn làm giả 2 biên bản giao nhận tiền THA nhằm hợp thức thủ tục xin đặc xá, tha tù cho Hằng nhưng do ông Đôi không trực tiếp làm giả giấy xác nhận kết quả THA và nhận thức pháp luật hạn chế nên không bị xử lý hình sự.
Riêng sai phạm của thư ký Võ Thành Phước là do làm theo sự chỉ đạo của Tuấn nên không cần thiết xử lý hình sự song cơ quan điều tra đã có kiến nghị lãnh đạo Cục THADS tỉnh Vĩnh Long xử lý kỷ luật đối với Phước và tổ chức rút kinh nghiệm.
Với tư cách là chấp hành viên Cục THADS tỉnh Vĩnh Long, bị cáo Tuấn đã cố tình lập 2 biên bản giao nhận tiền THA giả mạo giúp phạm nhân chưa đủ điều kiện được đặc xá ra tù trước hạn gây ảnh hưởng đến chính sách đặc xá của Nhà nước và uy tín của ngành THA tại địa phương, làm thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của những người được THA.
Do đó, cần có mức án tương xứng với hành vi phạm tội mà Tuấn đã gây ra nhưng xét bị cáo đã bồi thường xong thiệt hại thay cho Hằng, quá trình điều tra cũng như tại tòa Tuấn đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt nên HĐXX của TAND TP Vĩnh Long đã xem xét cho bị cáo được hưởng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và tuyên án sơ thẩm phạt Lê Thanh Tuấn 1 năm tù treo tội “Giả mạo trong công tác”.
Tại khoản 2, Điều 284 Bộ luật Hình sự quy định tội “Giả mạo trong công tác” như sau: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ tài liệu hoặc làm, cấp giấy tờ giả, giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thuộc trường hợp “phạm tội nhiều lần” thì bị phạt tù từ 3- 10 năm.
Bình luận (0)