Đó là lần đầu tiên nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy cùng dàn nhạc giao hưởng thính phòng của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ngoại giao qua một chương trình biểu diễn hòa nhạc.
Thông thường, đoàn nghệ sĩ tháp tùng lãnh đạo cấp cao công du thường từ các nhà hát, biểu diễn các chương trình ca, múa, nhạc với phần lớn là nhạc cụ truyền thống, âm nhạc truyền thống và một, hai tiết mục nhạc cổ điển. Đây là lần đầu tiên cả một dàn nhạc thính phòng tháp tùng và hầu như toàn bộ chương trình là nhạc cổ điển.
Trong chuyến công du của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Áo, trái tim của châu Âu, quê hương của dòng nhạc cổ điển, quê hương của những thiên tài âm nhạc Mozart, Beethoven, Haydn... dàn nhạc đã có buổi biểu diễn đặc biệt tại phòng hòa nhạc Haydn Saal, lâu đài Esterhazy của bang Bergenland. Nhạc sĩ Áo nổi tiếng Joseph Haydn (1732-1809) đã chủ trì việc hòa nhạc ở đây trong một thời gian dài.
Với những cảm xúc vẫn vẹn nguyên, nghệ sĩ Bùi Công Duy chia sẻ đối với tất cả các nghệ sĩ nhạc cổ điển, Áo có vị trí đặc biệt, ai cũng muốn một lần đến để cảm nhận vẻ đẹp quý tộc, sang trọng của âm nhạc nơi đây. Đặc biệt, được biểu diễn ở phòng hoà nhạc Haydn Saal trong lâu đài cổ Esterhazy là vinh dự của bất kỳ nghệ sĩ nhạc cổ điển nào. Chương trình hoà nhạc năm mới tại đây được phát ở nhiều quốc gia, có thể coi là di sản của thế giới.
Tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ Bùi Công Duy cùng dàn nhạc giao hưởng thính phòng của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tại khán phòng Cappella Paolina, Phủ Tổng thống Ý
Haydn Saal là phòng hoà nhạc số một thế giới với hệ thống âm thanh tuyệt vời, âm thanh vang lên đẹp, vừa điệu đà vừa có sự ấm áp của gỗ. Được chơi độc tấu tại đây, với nghệ sĩ là một vinh dự lớn, là một dấu ấn trong cuộc đời làm nghề.
Tuy nhiên, với anh, điều đọng lại lớn nhất trong chuyến đi là sự quan tâm của lãnh đạo, của đất nước với văn nghệ sĩ. Nghệ sĩ Bùi Công Duy kể, trong buổi biểu diễn ở Haydn Saal, lần hiếm hoi các nghệ sĩ đứng gần lãnh đạo cấp cao đến vậy.
Cũng do gần như thế, nên anh có thể nghe rõ từng lời phát biểu mở màn chương trình biểu diễn của Chủ tịch nước, có thể nhận thấy những lời Chủ tịch nước phát biểu ngoài văn bản được chuẩn bị sẵn.
"Chủ tịch nước nói với cả trái tim, với niềm đam mê dành cho nghệ thuật, cho âm nhạc; nhấn mạnh các nghệ sĩ Việt Nam sang đây biểu diễn nhạc cổ điển không phải để thi thố mà để thể hiện bằng cả trái tim của mình các tác phẩm âm nhạc của các nghệ sĩ lớn của thế giới, của nước Áo. Nếu âm nhạc mang đến tình yêu và giúp con người gắn kết với nhau một cách thân tình nhất thì chương trình ngày hôm nay sẽ giúp các bạn quốc tế hiểu được người Việt Nam, giúp gắn bó Việt Nam và Áo cũng như người Việt Nam và bạn bè quốc tế".
"Những lời phát biểu đầy sức nặng của Chủ tịch nước khơi dậy một nguồn năng lượng sôi sục từ sâu thẳm trong mỗi nghệ sĩ chúng tôi, kích thích được tinh thần dân tôc, lòng tự hào, niềm xúc động, khích lệ tinh thần. Trong không gian đó, chúng tôi có thể cảm nhận rõ tinh thần và sự trân trọng của lãnh đạo với văn hoá, với các nghệ sĩ, điều đó như liều "doping" tinh thần với các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ trong đoàn biểu diễn rất tự tin với một năng lượng tích cực thể hiện được bản sắc và niềm tự hào dân tộc."- nghệ sĩ Bùi Công Duy tâm sự.
Chương trình dự kiến diễn ra trong 1 tiếng song do yêu cầu, tình cảm của lãnh đạo hai bên và khán giả đã kéo dài thành 1 tiếng 40 phút. Đây là điều hiếm hoi vì các chương trình của các lãnh đạo cấp cao thường được tính chính xác tới từng phút.
Đặc biệt, khi chương trình bất ngờ được yêu cầu kéo dài hơn dự kiến, nghệ sĩ Bùi Công Duy cùng các nghệ sĩ trong đoàn đã nhanh chóng chủ động xử lý tình huống một cách trọn vẹn. "Khi chúng tôi chuẩn bị chương trình cũng tính đến yếu tố cộng - trừ về mặt thời gian, nhưng không nghĩ đến là sẽ kéo dài như thế. Tuy nhiên, điểm mạnh của người Việt Nam là linh hoạt ứng phó, thích nghi nhanh, xử lý tốt mọi tình huống phát sinh. Và các bài chúng tôi đã cùng luyện tập, các phương án dự phòng đã ứng dụng được trong chương trình phát sinh này"- nghệ sĩ Bùi Công Duy chia sẻ.
Tại Ý, đoàn biểu diễn tại khán phòng Cappella Paolina, Phủ Tổng thống Ý. Đây là một cơ hội hiếm có vì tại cung điện này mỗi năm chỉ diễn ra hai buổi hoà nhạc.
Kết thúc buổi hoà nhạc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có cuộc trao đổi với Tổng thống Ý Sergio Mattarella, có mời nghệ sĩ Bùi Công Duy đến trò chuyện. Tổng thống đã khen ngợi, chúc mừng các nghệ sĩ, nhấn mạnh sự điêu luyện của các nghệ sĩ. Ông cũng biết anh đã từng biểu diễn tại cung điện này cách đây 10 năm.
Nghệ sĩ Bùi Công Duy và các nghệ sĩ trong đoàn đã nhận được nhiều lời chúc mừng của bạn bè khắp nơi trên thế giới sau chuyến lưu diễn tháp tùng Chủ tịch nước. Dư âm của chuyến lưu diễn là một điểm nhấn không chỉ với riêng các nghệ sĩ.
Thế giới có hàng trăm ngôn ngữ, và âm nhạc là ngôn ngữ của trái tim. Con người có cảm xúc, chạm vào được trái tim, được cảm xúc thì đó là một ngôn ngữ mà ai cũng hiểu. Nhờ đó, âm nhạc có sức mạnh vượt qua những rào cản, lễ nghi.
Nhạc dân tộc cổ truyền vốn là thế mạnh của chúng ta, còn nhạc cổ điển là ngôn ngữ quốc tế. Các nghệ sĩ của Việt Nam đã biểu diễn nhạc cổ điển - một ngôn ngữ âm nhạc quốc tế - tại trái tim của châu Âu.
"Với âm nhạc, ngôn ngữ chung của toàn thế giới, thứ ngôn ngữ "từ trái tim tới trái tim", bạn bè quốc tế không những có thể hiểu được văn hoá Việt Nam, mà còn biết Việt Nam làm được gì và hội nhập như thế nào, thấy tinh thần của người Việt Nam, thông điệp của Việt Nam. Đây là điều đáng ghi nhận của chuyến lưu diễn và cũng tạo ra sự tự tin, vị thế của nghệ sĩ Việt Nam khi tham gia những chương trình với chuẩn mực quốc tế cao. Chúng ta hoàn toàn có thể bình đẳng, mạnh dạn hơn với sức mạnh văn hoá của mình"- nghệ sĩ Bùi Công Duy tâm sự.
Bình luận (0)