Mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố hạn chế xuất khẩu tổng cộng 54 loại sản phẩm khác nhau sang Israel, bao gồm thép, xi-măng, nhôm, phân bón, nhiên liệu hàng không…, cho tới khi lệnh ngừng bắn ở Gaza đạt được.
Theo Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, động thái này có hiệu lực từ ngày 9-4. Không lâu sau xung đột bùng phát ở Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã rút đại sứ của nhau về nước, song bước đi kể trên là biện pháp quan trọng đầu tiên của Ankara nhằm vào Israel.
Theo Reuters, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đối mặt với áp lực trong nước ngày càng tăng về việc cắt đứt quan hệ thương mại với Israel.
Thống kê phía Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy giá trị thương mại giữa hai nước đạt 423,2 triệu USD trong tháng 3 và đạt 1,1 tỉ USD trong quý I/2024 (giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái).
Trước đó cùng ngày 9-4, Hamas cho biết vẫn đang nghiên cứu đề xuất của Israel mà nhóm vũ trang này nhận được từ các nhà trung gian của Qatar và Ai Cập.
Khẳng định đề xuất của Israel không đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của mình - bao gồm Israel chấm dứt chiến dịch quân sự, binh lính Israel rút khỏi Gaza và để những người sơ tán trở về nhà, song Hamas nói vẫn sẽ nghiên cứu và có câu trả lời cho các nhà hòa giải.
Israel và Hamas cùng cử đoàn đến Ai Cập cuối tuần trước để đàm phán. Việc Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns cũng có mặt được xem là biểu hiện của áp lực đang gia tăng từ phía Mỹ đối với Israel.
Đài Al Jazeera đưa tin Mỹ muốn thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn trong đó con tin Israel được trả tự do, còn dân thường Palestine ở Gaza thoát khỏi cảnh giao tranh.
Lập trường của phía Israel là muốn giải cứu con tin - còn khoảng 133 người - bằng cách phóng thích một số tù nhân Palestine mà họ đang giam giữ nhưng lại chưa muốn chấm dứt chiến dịch quân sự ở Gaza trước khi tiến vào Rafah, bất chấp phản đối của nhiều nước và tổ chức.
Hơn 1 triệu người Palestine đang chen chúc ở Rafah trong cảnh thiếu thực phẩm, nước uống… Trong khi đó, theo Israel, Rafah là nơi cố thủ cuối cùng các đơn vị chiến đấu của Hamas.
Bình luận (0)