Thông tin trên được hãng Reuters dẫn lời Thủ tướng Donald Tusk khi đến thăm binh sĩ và lính biên phòng tại biên giới với Belarus hôm 11-5.
Ba Lan có chung biên giới với Belarus (gần 420 km), Lithuania (hơn 100 km) và Ukraine (530 km) ở phía Đông. Chính phủ Ba Lan tiền nhiệm đã xây hàng rào cao 5,5 m dọc theo 180 km biên giới với Belarus, được trang bị hệ thống camera và cảm biến giám sát.
"Biên giới Ba Lan - Belarus là nơi đặc biệt phải chú ý do có áp lực nhập cư trái phép. Trên thực tế, chúng ta phải đối phó với một cuộc chiến hỗn hợp đang diễn ra" – ông Tusk nói.
Thủ tướng Tusk nhấn mạnh "sẽ không có giới hạn nào" trong vấn đề an ninh quốc gia và Ba Lan sẽ gia cố toàn bộ biên giới phía Đông, song không nêu chi tiết kế hoạch cũng như số tiền dự kiến phân bổ cho dự án này.
"Đây không chỉ là biên giới nội bộ của Ba Lan mà còn là của Liên minh châu Âu (EU). Vì vậy, tôi chắc rằng toàn bộ châu Âu sẽ đầu tư cho an ninh của mình bằng cách đầu tư vào biên giới phía Đông Ba Lan" - ông Tusk nhận định.
Ba Lan và EU năm 2021 cáo buộc Belarus gây ra khủng hoảng người di cư ở biên giới khi tạo điều kiện cho hàng ngàn di dân từ Trung Đông, châu Phi và châu Á tới Ba Lan để vào khối. Họ nói rằng mục đích của Belarus nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Minsk.
Belarus phủ nhận cáo buộc và tố ngược Ba Lan "chứa chấp và huấn luyện những phần tử lưu vong để thực hiện một cuộc nổi dậy tại quê nhà".
Tình trạng nhập cư trái phép sau đó vẫn tiếp diễn và số lượng tùy thuộc điều kiện thời tiết. Biên phòng Ba Lan ước tính gần đây mỗi ngày có khoảng 300 trường hợp nỗ lực vượt biên.
Mối quan hệ căng thẳng giữa các nước láng giềng càng trở nên căng thẳng hơn sau khi Nga, đồng minh của Belarus, phát động chiến dịch quân sự đặc biệt sang Ukraine hồi cuối tháng 2-2022.
Bình luận (0)