Ngày 3-7, TAND TP HCM bắt đầu xét xử vụ án phát hành, mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) khống để trốn thuế đối với 38 bị cáo. Theo đó, tổng giá trị trên hóa đơn trước thuế GTGT được xác định hơn 4.000 tỉ đồng.
Thu lợi bất chính hơn 80 tỉ đồng
Vụ án được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP HCM phối hợp Công an phường 11 (quận Phú Nhuận, TP HCM) phát hiện vào ngày 9-3-2023. Cụ thể, trong quá trình tuần tra trên đường Trần Hữu Trang, tổ công tác phát hiện Mạc Trí Minh có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.
Minh khai đang đi giao hồ sơ, tài liệu cho Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang (SN 1973). Từ đây, lực lượng chức năng khám xét khẩn cấp nơi ở của Trang và các đối tượng liên quan, thu giữ nhiều hồ sơ pháp lý của các pháp nhân, dấu tròn của công ty, dấu chữ ký, chữ ký số, dấu tên; nhiều ổ cứng máy vi tính, điện thoại di động, số lượng lớn hóa đơn GTGT, chứng từ ghi khống nội dung.
Ngày 13-9-2023, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố vụ án "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn" theo điều 203 Bộ Luật Hình sự. Mở rộng điều tra vụ án, cơ quan công an phát hiện một mạng lưới phạm tội phức tạp hơn. Ngày 20-9-2023, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM tiếp tục ra quyết định khởi tố vụ án về tội "Trốn thuế" xảy ra tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Tại tòa, Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang khai nhận bắt đầu điều hành đường dây mua bán hóa đơn GTGT trái phép từ tháng 4-2017. Trang là người trực tiếp tìm khách hàng theo thông tin trên internet, liên hệ qua ứng dụng Zalo để chào bán hóa đơn GTGT với mức giá từ 1,5% đến 2% so với giá trị ghi khống trên hóa đơn trước thuế GTGT. Để hợp thức hóa, Trang yêu cầu khách hàng lập hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ.
Việc xuất hóa đơn GTGT khống cho khách hàng được thực hiện như sau: Khách hàng khi có nhu cầu mua hóa đơn GTGT sẽ liên lạc với Trang qua điện thoại di động, cung cấp thông tin công ty, loại hàng hóa, số lượng, đơn giá ghi khống trên hóa đơn, thông tin hợp đồng, giá trị hợp đồng cần xuất khống qua email, Telegram, Zalo… Sau đó, Trang chỉ đạo Hoàng Ngọc Phượng Trân (em ruột Trang) soạn thảo hợp đồng, xuất mẫu hóa đơn (hóa đơn nháp) để khách hàng xác nhận. Nếu hóa đơn dưới 20 triệu đồng thì khách hàng đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản các công ty mà Trang sẽ xuất hóa đơn GTGT. Sau khi cấn trừ phí mua hóa đơn sẽ chuyển khoản trả số tiền còn lại cho khách hàng. Nếu hóa đơn trên 20 triệu đồng thì thanh toán bằng 2 hình thức: Trang đưa tiền mặt cho khách nộp vào tài khoản công ty của khách, sau đó khách ủy nhiệm chi, chuyển tiền vào công ty Trang kèm phí trả cho Trang. Khách hàng mua hóa đơn chuyển tiền vào tài khoản công ty Trang, Trang sẽ ủy nhiệm chi rút tiền mặt để trả lại cho khách sau khi trừ phí hoặc ủy nhiệm chi vào tài khoản khách chỉ định.
Tính đến tháng 3-2023, thông qua sự giúp sức của Ngô Thị Bích Thủy (SN 1977, quê Thừa Thiên - Huế), Trang đã sử dụng 41 công ty (gồm 21 công ty được mua lại, 20 công ty lập mới) phục vụ hoạt động mua bán trái phép hóa đơn GTGT khống. Trong đó, có 31 công ty lập tại TP HCM, 10 công ty được lập tại tỉnh Đồng Nai.
Trong gần 6 năm điều hành đường dây này, "bà trùm" Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang bị cáo buộc đã sử dụng 31 công ty tại TP HCM xuất khống 35.273 hóa đơn GTGT cho hơn 6.476 cá nhân/tổ chức khác nhau trên các tỉnh, thành của cả nước, thu lợi bất chính hơn 80 tỉ đồng.
Cựu cán bộ thuế tiếp tay sai phạm
Để mở rộng đường dây này, Trang kết nối, sử dụng các kế toán, giám đốc các doanh nghiệp có trụ sở tại nhiều địa phương trên cả nước. Một số kế toán làm dịch vụ bao trọn gói từ đăng ký thuế, kê khai báo cáo, tự cân đối doanh số đầu ra, đầu vào tương ứng với hóa đơn khống xuất bán. Nhóm này đã tạo ra các chân rết để xuất khống hóa đơn cho các doanh nghiệp nhằm mục đích trốn thuế, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng và gây thiệt hại ngân sách nhà nước với số tiền rất lớn. Chính vì hoạt động chuyên nghiệp, tinh vi và kín kẽ nên hành vi phạm tội của Trang và các đồng phạm đã tồn tại trong một thời gian dài trước khi bị phát hiện.
Trong hệ thống chân rết của Trang, có bị cáo Đỗ Thị Cát Trinh (SN 1985, quê Quảng Ngãi) từng là công chức thuế quận Tân Bình, TP HCM. VKSND TP HCM xác định từ tháng 10-2018 đến tháng 2-2023, Trang và Trân đã xuất 25 hóa đơn GTGT khống với tổng số tiền trước thuế hơn 3 tỉ đồng cho Trinh không lấy phí. Sau đó, Trinh bán lại cho Trần Mỹ Linh (cựu Giám đốc Công ty TNHH Việt Ấn Thái Bình Dương) để hợp thức hóa chi phí đầu vào cho công ty này. Trinh thu lợi 151 triệu đồng.
VKSND TP HCM nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước với số tiền đặc biệt lớn. Việc in, phát hành và mua bán hóa đơn giả là những hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật, gây tổn hại lớn đến ngân sách quốc gia và ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh.
Phiên xử dự kiến kéo dài đến ngày 8-7.
Ngày 29-3-2024, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã ra quyết định tách hành vi, tài liệu liên quan một số doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, liên quan đến việc sử dụng hóa đơn của các công ty "ma" của Trang (trong đó có 10 công ty tại tỉnh Đồng Nai) để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định.
Bình luận (0)