Bác Hồ đã nêu gương làm "một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành"
Hai chữ "Đảng ta" xuất hiện sớm nhất trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947 (bút danh X.Y.Z).
Đảng ta thật vĩ đại
Trong tác phẩm nói trên, Người sử dụng 17 lần chữ "Đảng ta" để chỉ chung một chủ thể: Đảng Cộng sản Đông Dương (dù từ cuối năm 1945, Đảng đã tuyên bố "tự giải tán", thực chất là rút vào hoạt động bí mật dưới tên gọi Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác). Từ đó, hai chữ "Đảng ta" đi vào đời sống chính trị - xã hội của đất nước; các tầng lớp nhân dân trong kháng chiến, kiến quốc tin yêu gọi là "Đảng ta".
Đầu năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh (bút danh Trần Thắng Lợi) trong bài viết chính luận nhan đề "Đảng ta" (tặng các đồng chí chi bộ) đã sử dụng 12 lần chữ "Đảng ta" khi "nhắc lại vài mẩu chuyện của Đảng cho các đồng chí trẻ biết, chứ không phải viết lịch sử Đảng". Trong "Kiểm điểm công việc của Đảng" qua các thời kỳ, Người viết: "Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta có nhiệm vụ vẻ vang là đội tiên phong của giai cấp vô sản, là bộ tư lệnh của dân tộc giải phóng, Đảng ta đang thanh niên, Đảng ta đang trưởng thành".
Năm 1960, khi khái quát chặng đường 30 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!". Người chứng minh "Đảng ta vĩ đại thật" và kết luận: "Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác".
Cuối năm 1920, Đảng Xã hội Pháp mở đại hội ở Tours (Đại hội Tours). Người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc sau 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đã có đủ cơ sở để đứng về phía đa số trong Đảng Xã hội, bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ III và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Đó là dấu mốc mà Nguyễn Ái Quốc từ một người yêu nước trở thành người cộng sản đầu tiên của Đông Dương, đánh dấu "chủ nghĩa cộng sản bắt đầu vượt qua lưới sắt của chủ nghĩa đế quốc Pháp và dần dần thấm vào nước ta".
Từ đó đến năm 1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đưa thanh niên trong nước sang Quảng Châu - Trung Quốc huấn luyện, rồi phái họ trở về tuyên truyền và tổ chức khắp cả nước. Quá trình ấy dẫn đến sự hình thành 3 nhóm cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn). Tất yếu phải hợp nhất lại, đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập đại biểu các nhóm cộng sản họp tại Hương Cảng - Trung Quốc để thống nhất thành một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự sinh thành của Đảng ta được nhà thơ Tố Hữu liên hệ với sự sinh thành một con người:
"Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ
Không quê hương, sương gió tơi bời.
Đảng ta sinh ở trên đời,
Một hòn máu đỏ nên người hôm nay".
Toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân
Từ quá trình giác ngộ từ một người yêu nước trở thành người cộng sản và 10 năm thấu triệt sự lựa chọn "muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản" (Hồ Chí Minh, "Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong thời đại ngày nay"), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập nên "một đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân", "một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình" (Hồ Chí Minh, "Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc").
Không chỉ là người sáng lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xây dựng và rèn luyện Đảng ta thành một đảng "có một chủ nghĩa cách mạng nhất, một tổ chức chặt chẽ nhất, chí hy sinh tận tuỵ không bờ bến của đảng viên".
Ngay từ đầu khi mở lớp huấn luyện Đường Kách mệnh, Người lựa chọn định hướng đúng để: "Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin".
Ngay trong những năm đầu Đảng cầm quyền, Người viết tác phẩm xây dựng Đảng "Sửa đổi lối làm việc" với yêu cầu "các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa". Bởi lẽ, nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm "thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh".
Ngay khi nửa đất nước vừa có hòa bình, nửa đất nước còn tiếp tục chiến tranh, Người chỉ rõ cho cán bộ đảng viên: "Đảng không phải trên trời rơi xuống, mà ở trong xã hội cũ, thực dân phong kiến" được hình thành; "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp". Người nhấn mạnh: "Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch. Lấy đồng hồ làm thí dụ: Bộ máy đồng hồ phải chạy đều, muốn chạy đều phải sạch sẽ. Đảng muốn trong sạch, mạnh mẽ thì mỗi bộ phận, mỗi đảng viên phải trong sạch, mạnh mẽ".
Ngay khi Đảng ra hoạt động công khai, Bác đề cao vai trò trách nhiệm: "Người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết"; "Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng".
Bằng thực tế làm việc thường ngày của Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Bác Hồ đã nêu gương làm "một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành", "xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo".
Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí
Trong Di chúc, Người căn dặn: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".
Người nhắc nhở: Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Người yêu cầu mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Dẻo dai, hùng mạnh
Khi xem lại "thân thế và công việc của Đảng", người sáng lập và rèn luyện Đảng ta - Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy điều đặc biệt: "Đảng ta sinh trưởng trong một hoàn cảnh rất khó khăn, dưới một chế độ thực dân rất tàn nhẫn". Điều đó "càng làm rõ thêm sự dẻo dai và hùng mạnh của Đảng ta"; "từ ngày thành lập, Đảng ta là Đảng duy nhất lãnh đạo phong trào cách mạng ở nước ta".
Trong các quốc gia dân chủ, không có đảng chính trị nào như Đảng Cộng sản Việt Nam - đã trải qua 95 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành (1930-2025), không ngừng hoạt động, lãnh đạo thành công những biến đổi lớn lao cho đất nước. Cụ thể, ngay sau khi lãnh đạo toàn dân thực hiện cuộc Cách mạng Tháng 8-1945 điển hình, Đảng tiếp tục lãnh đạo quân dân tiến hành các cuộc chiến tranh chính nghĩa đánh thắng nhiều kẻ xâm lược trong thế kỷ XX.
Hiện nay, Đảng lãnh đạo nước Việt Nam thống nhất đi lên CNXH, tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập, tạo dựng cơ đồ, vị thế, uy tín quốc tế vững chắc; làm cơ sở, tiền đề cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bình luận (0)