Đối lập với tình trạng quá tải ở các bệnh viện nhi do số bệnh nhân đến khám bệnh tay chân miệng (TCM) tăng đột biến, tại hệ thống trường học, mấy ngày qua, số lượng học sinh đến lớp giảm đáng kể.
Nghỉ học cho chắc ăn
Ở Trường Mầm non số 5 tại phường Ngọc Hà, nơi có bệnh nhi vừa tử vong, hầu hết phụ huynh đã cho con nghỉ học. Tình trạng này cũng xảy ra ở một số trường mầm non khác khi một số trẻ có biểu hiện mắc TCM. Phụ huynh được hỏi đều cho biết do quá lo lắng trước dịch TCM nên họ cho con nghỉ học cho chắc ăn.
Chăm sóc một trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: Hải Phương
Tại Trường Mẫu giáo Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), sau khi phát hiện bé đầu tiên bị TCM vào ngày 15-9, cô Phạm Thu Hoài, hiệu trưởng nhà trường, cho biết mỗi sáng khi đón trẻ vào lớp, các cô giáo đều kiểm tra tay, chân xem có các nốt đỏ bất thường hay không. Nếu có biểu hiện là các cô lập tức yêu cầu gia đình đưa con đi khám bệnh. Cũng theo cô Hoài, khi phát hiện 4 trẻ cùng một lớp bị TCM, nhà trường đã cho cả lớp nghỉ học và đề nghị gia đình theo dõi sức khỏe các cháu.
Trường Mầm non Tuổi Thơ (quận Hoàng Mai) dù chưa phát hiện trẻ nào mắc TCM nhưng cứ đến chiều thứ sáu, các cô giáo lại tổng vệ sinh toàn trường bằng cloramin B. Cô Trần Thị Nga, hiệu trưởng nhà trường, cho biết những bản thông báo về triệu chứng của bệnh TCM đều được dán ở trước lớp học, giúp các cô giáo cũng như phụ huynh nhận biết dấu hiệu để kịp thời có hướng xử lý nếu phát hiện trẻ mắc bệnh.
Lan ra cộng đồng
Những ngày qua, đường dây tư vấn của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội luôn “nóng” bởi các cuộc gọi hỏi về bệnh TCM. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết việc lo lắng của các bậc phụ huynh là chính đáng nhưng mọi người cần hiểu rằng TCM là bệnh lý lây nhiễm do virus, hầu hết bệnh nhân có thể điều trị tại nhà và tự khỏi sau 5-7 ngày, chỉ tỉ lệ rất nhỏ (0,2%-0,5%) chuyển thành thể nặng. Hơn nữa, bệnh không chỉ lây trong trường học mà còn lây tại cộng đồng. Qua theo dõi những năm gần đây cho thấy số người mắc TCM ở trường học rất ít mà chủ yếu là ở cộng đồng. Đến thời điểm này, Hà Nội đã ghi nhận gần 400 trường hợp mắc TCM.
Trước tình trạng nhiều phụ huynh cho con em nghỉ học ở nhà để tránh bệnh, ông Cảm cho rằng đóng cửa trường học vào thời điểm này không phải là giải pháp tối ưu vì thực tế dịch đã lan ra cộng đồng. Quan trọng nhất là phải giữ vệ sinh cho trẻ, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của các cháu để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh.
Bệnh tay chân miệng ở Quảng Ngãi cao nhất nước Qua kiểm tra, giám sát bệnh TCM ở Quảng Ngãi ngày 29-9, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế nhận định bệnh này còn diễn biến phức tạp. Mầm bệnh đã lây nhiễm trong cộng đồng, trên diện rộng, hiện 14/14 huyện, TP, 166/184 xã, thị trấn trong toàn tỉnh có số ca mắc; cường độ mắc mới vẫn còn dao động ở mức cao, có tuần trên 250 ca.
Bình luận (0)