+ Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn trường hợp người đàn ông tử vong vào ngày 30-5 khi đi theo "sư Thích Minh Tuệ"?
- ThS. BS Phan Lê Hiếu: Đó là một bệnh nhân nam sinh năm 1977, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị chuyển đến với tình trạng hôn mê sâu - thở máy qua nội khí quản - huyết áp choáng rất nặng (60/40) dù bệnh viện tuyến trước đã dùng thuốc vận mạch. Tại Khoa cấp cứu, chúng tôi đã cố gắng cải thiện huyết áp cho bệnh nhân và tiến hành làm các xét nghiệm chuyên sâu. Tuy nhiên sau đó, bệnh nhân ngưng tim. Chúng tôi đã nỗ lực hồi sức tim phổi nhưng sau 30 phút không có kết quả. Bệnh nhân tử vong, chẩn đoán do sốc nhiệt, suy đa phủ tạng.
+ Những biểu hiện đặc thù của các ca bệnh sốc nhiệt là gì, thưa bác sĩ?
- Thời gian gần đây, do nắng nóng kéo dài nên Khoa Cấp cứu tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị say nóng, say nắng.
Say nóng là hiện tượng nhiệt độ cơ thể tăng cao do tác động của nhiệt độ môi trường xung quanh hoặc do hoạt động gắng sức gây ra các biến chứng lên hệ thần kinh trung ương dẫn đến các rối loạn và mất kiểm soát.
Say nắng (sốc nhiệt) là nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 40 độ C và thường kèm theo mất nước. Hệ quả là hệ thống điều hòa thân nhiệt mất kiểm soát dẫn đến rối loạn các chức năng của cơ thể như khó thở, ngưng thở; nói lắp, co giật, hôn mê; mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt; nôn mửa, tiêu chảy… Nguyên nhân là do tác động của nhiệt độ môi trường hoặc do hoạt động gắng sức.
Các triệu chứng của say nóng được xem như là mức độ nhẹ của của say nắng. Say nóng không được xử trí có thể chuyển qua say nắng.
ThS. BS Phan Lê Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ về cách nhận biết, cấp cứu cũng như phòng tránh bệnh sốc nhiệt
+ Đối tượng nào dễ bị sốc nhiệt nhất, vì sao?
- Về đối tượng nguy cơ sốc nhiệt, có 2 nhóm. Thứ nhất là nhóm cơ địa gồm trẻ dưới 4 tuổi, người già yếu, phụ nữ có thai, người có các bệnh mạn tính… Vì hệ thống điều hòa thân nhiệt của nhóm này yếu nên khả năng đáp ứng với nhiệt độ cao kém dễ dẫn đến sốc nhiệt.
Thứ hai là nhóm lao động trong môi trường nhiệt độ cao gồm các công nhân làm việc ngoài trời; các nhân viên y tế và cứu hộ làm việc trong môi trường nhiệt đới hoặc trong những tình huống khẩn cấp như cứu hộ sau thiên tai; các công nhân làm việc trong môi trường nhiệt độ cao; vận động viên, huấn luyện viên thể dục thể thao;...
+ Khi gặp người bị sang nóng, sốc nhiệt, cần xử trí như thế nào?
- Nếu đã xác định nạn nhân bị say nắng chúng ta phải tiến hành sơ cứu ngay lập tức đồng thời gọi xe cứu thương. Việc sơ cứu đúng cách và kịp thời cho bệnh nhân bị say nắng vô cùng quan trọng và giảm thiểu các tổn thương.
Các bước sơ cứu gồm: gọi hỗ trợ giúp đỡ từ những người xung quanh và gọi xe cứu thương; di chuyển nạn nhân đến nơi râm mát, thoáng khí; nới lỏng nịt ngực, thắt lưng và cởi bỏ các lớp áo ngoài không cần thiết; kiểm tra nhiệt độ cơ thể. Tiến hành làm mát cho bệnh nhân bằng mọi cách có thể. Nếu nạn nhân tỉnh, cho uống bổ sung nước và chất điện giải. Nếu bệnh nhân chưa tỉnh, tiếp tục sơ cứu.
Cần lưu ý, trong trường hợp bệnh nhân không có dấu hiệu hô hấp thì ngay lập tức tiến hành hô hấp nhân tạo trong lúc chờ xe cứu thương đến.
+ Làm sao để tránh bị say nóng, sốc nhiệt?
- Mọi người cố gắng tránh ra ngoài vào giờ nắng gắt. Mặc quần áo nhẹ, rộng rãi, thoáng mát và có màu sáng để giảm hấp thụ nhiệt. Đội mũ, nón rộng vành và đeo kính râm để bảo vệ mắt. Giữ mát cơ thể, ngủ đủ giấc.
Phải uống đủ nước với ít nhất 2-3 lít mỗi ngày. Nên uống nước lọc, nước trái cây, hoặc nước có pha chút muối khoáng để bù điện giải. Tránh các loại nước có cồn và cà phê vì chúng làm mất nước. Ăn nhiều rau quả, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, chia nhỏ bữa ăn, bổ sung thực phẩm giàu chất điện giải.
Nếu cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc có dấu hiệu của say nắng, hãy dừng ngay công việc và tìm nơi mát mẻ nghỉ ngơi, uống nước.
Nên tập thể dục vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối khi nhiệt độ đã giảm.
Việc tuân thủ các biện pháp trên sẽ giúp mọi người duy trì sức khỏe tốt và đảm bảo chất lượng lao động ngay cả trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Bình luận (0)