Mọi độ tuổi đều có thể gặp phải tình trạng hóc dị vật này, đặc biệt là những lúc vừa nhâm nhi các loại hạt ngày Tết, vừa nói chuyện, cười giỡn với bạn bè hay làm gì khác. Con nít càng dễ bị, nhất là các bé nhỏ.
Lúc mình nuốt thức ăn khi lưỡi gà trong họng đóng lại để ngăn thức ăn rơi vào đường thở, cùng một số cơ chế tự nhiên khác để ngăn mình bị sặc. Nhưng vừa ăn vừa nói, vừa giỡn thì hoạt động này "rối loạn", dẫn đến hóc, sặc thức ăn.
Hoạt động của lưỡi gà cũng như phản xạ chống sặc ở trẻ em chưa được nhạy như người lớn, nên thường dễ bị hóc, sặc thức ăn hơn. Hạt dưa, hạt hướng dương là hai "thủ phạm" chính của các trường hợp hóc dị vật ở trẻ nhỏ mùa Tết.
Nguy hiểm hơn, một số đứa bé không biết ăn hạt, nhưng lại thích ngậm trong miệng, hoặc ngậm một viên kẹo hay thức ăn gì khác, rồi chạy đi chơi. Khi giỡn và bị sặc, trẻ lại khuất tầm mắt người lớn.
Do đó nếu nhà có trẻ nhỏ, phải để mắt tới trẻ khi ăn những thứ này.
Dấu hiệu nhận biết một người đang bị hóc dị vật chặn đường thở - cả người lớn và trẻ nhỏ - bao gồm ho sặc sụa, tím tái.
Còn ho sặc sụa xong rồi tự hết, nhưng lại ho kéo dài không rõ nguyên nhân nhiều ngày sau đó, coi chừng "dị vật bỏ quên", xảy ra khi hạt hay thức ăn chỉ chặn một phần đường thở. Dị vật bỏ quên có thể gây ra viêm phổi tái đi tái lại.
Cách xử trí đối với trường hợp ho sặc sụa, tím tái ngay tại chỗ tùy vào độ tuổi, kích cỡ em bé.
Với các trẻ có thân hình nhỏ, thường là dưới 3 tuổi, sử dụng phương pháp vỗ lưng - ấn ngực.
Đầu tiên, cho trẻ nằm sấp, dốc xuống trên cánh tay mình - hoặc có thể là đùi tùy theo kích thước em bé - rồi dùng lòng bàn tay còn lại đánh mạnh, dứt khoát vào khu vực lưng giữa bả vai của trẻ.
Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra sau 5 cú đánh, lật trẻ ngửa lên - chú ý giữ chắc phần cổ ở những em bé nhỏ - đặt 2 ngón tay giữa xương ức ngay dưới núm vú, ép mạnh xuống 5 lần.
Thực hiện lặp lại động tác này cho đến khi dị vật rơi ra.
Với trẻ lớn, người lớn, dùng phương pháp Heimlich cơ bản: Đứng hoặc quỳ phía sau lưng tùy chiều cao của nạn nhân, nắm một tay thành quả đấm đặt ngay vùng thượng vị của nạn nhân, tay còn lại đặt lên trên quả đấm để hỗ trợ, dùng lực ép mạnh vào nhiều lần cho dị vật rơi ra.
Đối với trường hợp "dị vật bỏ quên", thường rất khó phát hiện. Nên đưa trẻ/người thân đi bệnh viện kiểm tra nếu cứ ho kéo dài không rõ nguyên nhân, viêm phổi tái đi tái lại. Bởi đã bị như vậy thì dù là do dị vật hay do cái gì khác thì đều phải giải quyết.
Bình luận (0)