Bao năm trôi qua, tôi vẫn vẹn nguyên lòng kính yêu cô Trần Thị Thúy - cựu giáo viên ngữ văn Trường THCS Văn Phú (huyện Thường Tín, TP Hà Nội). Cô Thúy dạy thay lớp tôi khi cô giáo dạy văn chính thức mắc bệnh đột ngột và phải nghỉ hết năm học.
Sao lại là cô?
"Xin chào các em"... Tôi ngẩng mặt lên, thấy cô giáo mái tóc điểm bạc bước vào lớp với một câu chào toát lên sự nghiêm nghị. Đám học trò đứng dậy chào rồi thì thào "chết rồi, nghe nói cô này dạy hết năm luôn". Tôi cũng chung suy nghĩ với đám bạn, dù cách hành văn của tôi vốn được cô giáo cũ đánh giá cao, thường đạt được điểm tốt.
Lớp tôi hồi đó là lớp 9B, Trường THCS Văn Phú. Chẳng hiểu sao xã tôi có 2 thôn nhưng lớp B chỉ toàn học sinh thôn Yên Phú, 3 lớp còn lại có học sinh cả 2 thôn. Chúng tôi thường nghe người lớn nói rằng học sinh thôn Yên Phú nghịch và khó bảo hơn, lại hay tranh cãi với học sinh thôn Văn Trai nên phải xếp riêng một lớp.
Vậy mà, câu đầu tiên khi cô Thúy giới thiệu trước lớp lại là... cô ở thôn Văn Trai. Năm ấy là năm dạy học cuối cùng của cô, năm sau sẽ nghỉ hưu. Cô Thúy thông báo với chúng tôi rằng cô Kim Anh (giáo viên dạy văn cũ) sẽ nghỉ hết năm học do mắc bệnh, phải điều trị lâu dài.
Tôi vốn chẳng học giỏi môn văn nhưng so với các môn tự nhiên thì học tốt hơn nên thường lấy văn là môn "kéo điểm". Thế nhưng, mùa xuân năm đó, người đứng trên bục giảng của chúng tôi lại là một cô giáo sắp về hưu, chưa từng dạy chúng tôi buổi nào.
Giờ ra chơi, mấy đứa chúng tôi kháo nhau rằng cô Thúy chỉ thích học sinh Văn Trai thôi, chứ ghét bọn nhóc làng mình. Sao trường không phân công một cô giáo trẻ trung hoặc đến từ nơi khác dạy nhỉ? Đó là những tâm tư mà bọn trẻ con chúng tôi cứ xì xào với nhau.

Cô Trần Thị Thúy luôn rạng rỡ với năng lượng tích cực khi đã về hưu
Bài văn nhớ đời
Hôm đó, tôi về kể chuyện với mẹ. Mẹ tôi cho hay hồi nhỏ, cô Thúy bị lên sởi nên mặt mới có nốt rỗ. Cô kết hôn muộn, cuộc sống gia đình cũng nhiều sóng gió. Đặc biệt, hơn 20 năm trước, cô cũng từng dạy văn cho bố và chú tôi ngay dưới mái trường làng rêu phong này.
Trái ngược với cảm nhận ban đầu của chúng tôi về một cô giáo khó tính, cô Thúy hiền lành và nhẹ nhàng như một người bà. Song, học sinh lớp tôi nổi tiếng nghịch ngợm khiến cô rất đau đầu.
Tôi còn nhớ một tiết học, cô Thúy lên lớp khi trống trường chưa gõ. Khi ấy, thằng Năm và thằng Quang đang chuẩn bị đánh nhau, cả bọn lùi ra không dám cản. Vừa bước vào lớp, cô đã nhận ra ngay tình hình và vội tới can ngăn. Sau đó, bằng lời khuyên nhẹ nhàng, mềm mỏng, cô cầm tay Năm và Quang đi lên văn phòng để hòa giải. Từ đó, Năm và Quang không còn ghét nhau nữa, âu cũng nhờ cái ôm, cái xoa đầu của cô Thúy đã giảm bớt đi phần nào sự cộc cằn, tức giận nhất thời của hai đứa.
Tôi còn nhớ như in vào một chiều nắng nóng, trong tiết học thêm tại trường, cô gọi: "Em áo đỏ mang bài làm cô giao lên đây!". Sở dĩ tôi bị cô gọi vì đang giành nhau quyển sách với thằng Thạch ở bàn dưới, trong khi cô vừa giao đề văn cách đó chừng 15 phút.
Khi tôi cầm bài làm trên tay và đứng giữa bục giảng trước cả trăm con mắt hấp háy như đang cười chế nhạo, cô hỏi:
- Em đã làm xong đề văn cô giao chưa mà quay xuống mất trật tự với bạn?
- Dạ, em làm xong rồi cô ạ!
- Có thật không, hay đây là bài của bạn? Cô vừa mới ra đề sao em đã làm xong được?
- Dạ, bài em viết đây ạ!
- Vậy em đọc to, rõ cho cả lớp cùng nghe đi.
Tôi ngượng ngùng nhìn về phía thằng Thạch đang cúi mặt cười hả hê, vì nó là đứa gây chuyện trước với tôi nhưng không bị cô gọi lên bảng trả bài. Tôi hít một hơi thật sâu, rồi bắt đầu đọc: "Tên em là Nguyễn Văn Công, lớp 9B, đề bài: Hãy nêu suy nghĩ của em về vấn đề bạo lực học đường và ý nghĩa của tình bạn trong lớp học cũng như cuộc sống mai sau"...
Chưa bao giờ đứng đọc bài viết của mình trước cả lớp như vậy nên tôi rất run. Nhưng vì đây là việc "lấy công chuộc tội" nên tôi đã đọc hết sức hùng hồn, mạch lạc. Ví dụ tôi nêu ra trong bài nghị luận chính là tình huống cô Thúy can ngăn xô xát giữa Năm và Quang tuần trước.
Dường như cảm nhận được năng khiếu học văn của tôi, sau khi tôi đọc xong bài, cô đề nghị cả lớp cho một tràng pháo tay. Cô cầm bài của tôi đọc lại một lượt, cho 8 điểm cùng với lời phê "chữ quá xấu". Sau đó, cô cho tôi về chỗ ngồi.

Sân Trường THCS Văn Phú - nơi lưu giữ mãi tình cô trò
Tôn trọng đam mê, mơ ước của học trò
Cuối buổi học hôm ấy, cô Thúy chủ động xuống chỗ tôi ngồi, bảo: "Công này, hiện đội tuyển thi văn của trường mình mới có 3 bạn nữ. Cô muốn bổ sung em vào đội tuyển cho kỳ thi huyện sắp tới. Em có đồng ý không?".
Tôi ngập ngừng, gãi đầu rồi đáp: "Dạ thưa cô, em cũng rất yêu thích môn văn nhưng em muốn được đi thi môn Anh văn cô ạ. Đó là ước mơ của em vì em rất thích tiếng Anh". Câu trả lời khiến cô ngỡ ngàng khi tôi đã từ chối thẳng thừng ý tốt của cô. Cô hỏi tôi tiếp: "Vậy tại sao em chưa đăng ký vào đội tuyển Anh văn?".
Tôi từ từ đứng dậy, ngẩng mặt nhìn cô ái ngại. Cô đặt tay lên vai tôi và hỏi "Sao thế em"? Ngoài trời, sân trường bỗng hửng nắng vàng vọt, tiếng ve bắt đầu kêu…
- Dạ thưa cô, do thầy Quân (phụ trách đội tuyển Anh văn) không đánh giá cao em lắm và loại em ở lần ứng tuyển trước rồi. Nhưng em rất yêu thích Anh văn. Nếu được đi thi, em hứa sẽ cố gắng hết sức.
- Cô hiểu rồi. Nhưng em phải hứa với cô sẽ luyện chữ đẹp hơn nhé. Nét chữ là nết người, hãy làm sao để có nét chữ đẹp nhất!
Ít hôm sau, tôi được thầy Quân thông báo có tên trong danh sách thi môn Anh văn cấp huyện. Tôi sung sướng vô cùng và thầm biết ơn cô Thúy đã giúp khuyên thầy Quân tin tưởng vào tôi.
Tôi biết cô Thúy không cố ép tôi tham gia đội tuyển văn cho dù sẽ có cơ hội đỗ cao hơn thi Anh văn. Cô tôn trọng đam mê và ước mơ của tôi, bởi cô hiểu bất kỳ ai làm việc gì mà không yêu thích thì không thể làm tốt được.
Cũng thật trớ trêu, năm đó tôi không đỗ học sinh giỏi Anh văn, còn 3 bạn nữ đội tuyển văn thì đều đỗ cả. Thế nhưng, cô Thúy không trách tôi, cũng không khuyên giải kiểu "giá như…", "nếu nghe cô thì đã…". Cô chỉ động viên tôi: "Cô tin em đã cố gắng hết sức rồi. Hãy tiếp tục như vậy trước những thử thách trong tương lai".
Dõi theo cô từng ngày
Sau này, tôi đã theo đuổi ước mơ của mình và công tác trong ngành giáo dục, tiếp bước sự nghiệp của cô Thúy. Năm tháng vần vũ qua đi, lớp bụi thời gian chạm đến mọi thanh xuân rực rỡ. Cô Thúy giờ đã gần 70 tuổi, vui vầy tuổi già cùng những người bạn cao niên, những đồng nghiệp cũ. Ít có dịp đến thăm, thỉnh thoảng thấy cô xuất hiện trên Facebook với nét mặt rạng rỡ, sức khỏe tốt, tôi rất mừng và khẽ thả trái tim cho cô với tình cảm chân thành nhất. Mãi thương kính cô!

Bình luận (0)