Nhà tôi vách tre mái lá nền đất. Cứ vài mùa mưa nắng, mái lá dột nát là phải mướn người thay lá. Không hiểu người ta thấy má tôi nghèo quá, họ sợ má tôi không có tiền trả công hay họ sợ mang tội liên can với Việt cộng mà má tôi nhờ mãi chẳng ai làm giúp. Đến khi có được người bà con nhận lời giúp má sửa lại căn nhà, thì tất cả cột kèo đã mục nát, sắp sập. Người ta không dám leo lên nóc nhà đành phải đứng dưới đất rồi dùng cây kéo lá từ trên nóc nhà xuống.

Má đi dạy học ở trường gần nhà, học trò toàn là trẻ con trong xóm. Má đi dạy buổi chiều. Mỗi lần đi dạy, má hay dẫn đứa em trai của tôi theo mặc dù nó chưa đến tuổi đi học. Má cho nó ngồi trên bàn nhất, nó cũng tập viết trên cái bảng con. Má nói, nó học được chữ nào hay chữ nấy, chủ yếu là cho nó quen tiếp xúc với trường lớp thôi.
Ngày đó, không có lớp mẫu giáo, học sinh đúng tuổi thì vào lớp một ngay. Vả lại, má muốn dẫn em tôi theo là để phụ trông em giúp tôi. Ở nhà, chị Hai và tôi còn phải trông bốn đứa em nữa. Trước khi đi dạy, má cho hai đứa em lên một cái võng. Hai võng, bốn em. Tôi có nhiệm vụ đưa võng cho em ngủ. Hễ em thức dậy thì chơi với em, má hay luộc mấy củ khoai lang, khoai mì hay mấy trái chuối để dành cho chị em tôi ăn trưa. Mấy chị em xúm xít trong nhà, má dặn không được ra ngoài vì sợ chúng tôi té mương…
Có lần, nhìn qua nhà hàng xóm, tôi thấy mấy đứa trẻ trạc tuổi tôi đang ăn mía. Mỗi đứa cầm một khúc to, chúng dùng răng xước từng miếng vỏ vàng tươi. Xước hết phần vỏ vàng bên ngoài thì khúc mía có màu trắng, mập ú căng đầy nước. Chúng cắn mía, nhai nuốt nước rồi nhả xác mía khô nước, lép xẹp.
Chúng vừa ăn vừa cười nói vui vẻ, thích thú. Tôi đứng nhìn trộm chúng mà thèm lắm… Tôi lén má ra sau vườn bẻ một cành cây gòn đem vào nhà. Tôi cũng bắt chước lũ trẻ, cũng đưa nhánh gòn lên miệng mà xước vỏ nhưng gòn có vị đắng chát chứ đâu ngọt như mía. Má tôi đi dạy về thấy tôi đang xước cây gòn. Má hỏi: “Con làm gì vậy?”. Tôi trả lời: “Con đang ăn mía”.
Ngay chiều ấy, má đạp xe ra chợ mua một bó mía mười hai cây còn nguyên cả ngọn. Má để bó mía nằm xuôi theo chiều dài xe đạp, rồi dẫn xe đi bộ từ chợ về nhà cho khỏi tốn tiền thuê xe chở mía về. Má chặt mía ra từng khúc ngắn, mập ú, vàng tươi, căng nước.
Chúng tôi không cho má dùng dao róc vỏ, cứ để vậy dùng răng xước vỏ. Các em nhỏ chưa xước mía được thì anh chị lớn xước vỏ, cắn sẵn thành từng miếng nhỏ cho em. Ăn mía như thế mới ngon. Cả nhà xúm nhau ăn mía thật vui, chuyện cũ xảy ra đã năm mươi năm rồi…
Bây giờ, chị em chúng tôi lớn lên thành đạt, có gia đình riêng, mỗi đứa mỗi nơi, đời sống khá giả hơn xưa. Thỉnh thoảng, ngày giỗ chạp, lễ, Tết mới tụ họp về nhà thăm ba má.
Mỗi lần nhớ đến kỷ niệm của ngày xưa, những ngày nghèo nàn khốn khó nhưng đầy đủ ba má, chị em tôi lại nghe bồi hồi nuối tiếc và thấy thương má một đời vất vả vì con.
Bình luận (0)