Cái cảm giác thích thú của một đứa trẻ ở giữa ồn ào phố phường, chật chội người xe và nhà cửa nay bỗng được chân trần lang thang trên triền đê, ngó ra bốn bề mênh mông xanh thật khó mà diễn tả hết bằng lời.
Dòng sông Mã ngập nắng và ngập tràn tuổi thơ tôi. Ảnh: T. Kim
Ngôi làng của cha nhỏ bé với dăm bảy chục nếp nhà nép mình ven con sông Mã. Con sông là mảnh hồn làng, rộn rã buổi chiều về trong hòa khúc những âm thanh. Tiếng ì oạp quẫy nước của lũ trẻ. Tiếng nói cười lao xao của các chị, các cô ra sông giặt giũ, lấy nước. Và cả tiếng khua động của những mái chèo vội vã khi ráng chiều đang nhợt nhạt và lan tỏa màu đêm trên sóng nước. Rồi mọi người dần trở về nhà, chỉ còn lại tiếng sáo diều vi vút của những kẻ ham chơi.
Bến sông dẫn tôi về nhà nội là một đoạn đường lồi lõm sóng trâu, đầy mùi rơm mới và cỏ dại ngai ngái.
Mùi khói bếp nồng nồng đang bay lên. Bữa cơm tối được dọn ra giữa cái sân gạch. Món không thể thiếu cho cha tôi đó là mắm cáy và rau lang luộc.
Thứ rau lang chỉ lấy phần ngọn. Chờ nước sôi thả vào, lúc chín tới thì gắp ra chấm vào bát mắm cáy vừa pha còn dậy mùi ớt tươi, chanh, tỏi.
Có lần tôi hỏi cha: “Sao cha đi ra, làm người thành phố nhiều năm, không ít món ngon đã nếm mà vẫn thiết tha cái món dân dã ấy?”. Cha cười, bảo đó là phong vị của đồng quê.
Thứ nước mắm nửa như xanh, nửa như nâu đó chắt lọc tinh túy của đất trời. Nhưng đặc biệt mắm được làm từ bàn tay của thím tôi thì mới được cha ưa nhất.
Thím cũng là người để lại cho tôi hình ảnh đẹp đẽ về một người đàn bà “giữ nắng”. Thím về làm dâu nhà nội tôi khi đã dành hầu hết tuổi xuân cho lũ em nheo nhóc, sớm mất mẹ.
Lại tiếp tục những ngày gồng gánh, đỡ đần công việc trong ngoài cho gia đình chồng và người chồng từ chiến trường về, sức khỏe chỉ còn ¼.
Lam lũ hình như chỉ in vết sạm trên làn da, nếp hằn nơi đuôi mắt chứ không lấy đi cái hồn hậu, đằm dịu nơi con người thím. Sự ấm áp luôn được thím giữ trong ngôi nhà như giữ lại nắng với sở thích đun nấu bằng rơm rạ hay thân cây ngô đã phơi khô…
Bữa cơm rồi cũng kết thúc nhưng sự quây quần thì còn kéo dài mãi. Mấy đứa cháu nô đùa chán lại bày trò chơi ú tim. Mùa cũng đã làm xong nên ông tôi thảnh thơi bắc bộ ván dỡ ra từ hai cánh cửa nhà, nằm ngâm nga những câu Kiều.
“Trăm năm trong cõi người ta. Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau…” Giọng ông trầm bỗng đẩy đưa, như hát như ru, loang trong quầng sáng của ánh trăng vàng rời rợi đổ xuống.
…Tháng năm trôi đi, tôi lớn lên, cuộc mưu sinh với bao lo toan đã cuốn đi những bận bịu với quê, dù tình thì vẫn luôn ăm ắp.
Hơn hai năm rồi, giờ tôi mới trở về. Cảnh và người đã không còn như ngày cũ. Chỉ sông là vẫn đó, thao thiết chảy giữa hai bờ. Tôi cứ mãi dõi nhìn mà nhớ lại cái ngày được cha tôi dạy bơi. Thế mà cha giờ không còn nữa. Ông đã đi về bờ bên kia xa lắc.
Vẫn là những vui mừng đón tôi về trong căn nhà nội nhưng có phần lặng lẽ hơn vì ông tôi cũng đã mất. Không còn tiếng ngâm Kiều. Không còn bóng dáng ra vào, lụi cụi bên khóm cây, bể nước. Cả những mo cau cũng ngẩn ngơ buồn rơi rụng trên sân vì không có người nhặt dùng làm quạt.
Riêng thím tôi thì như lột xác. Con người “thủ cựu” ấy giờ táo bạo với những ý tưởng làm kinh tế. Thím nhận đầm của xã, cải tạo để thả tôm cá. Trên bờ thì trồng rau và chăn nuôi gà vịt. Người đàn bà ít học, chưa bao giờ xa lũy tre làng như thím dần ham nghe đài, đọc tài liệu, hội họp…để học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật.
Mọi cái rồi phải đổi thay. Cả tôi cũng thế. Nhưng đôi khi trên đường đời mải miết, có một ngày lòng mỏi mệt, tôi lại chọn mùa hè giống như cha tôi ngày xưa, đưa con về thăm quê nội. Và con tôi cũng lại bắt đầu bằng những bước chân chộn rộn.
Bình luận (0)