Mỗi khi trái gió trở trời, ấm đầu sổ mũi, biết lật, biết bò, mọc răng, mọi thứ đều có ngoại lo lắng chăm sóc. Lúc mới tập ăn, tôi không chịu ngồi yên cho ngoại đút mà cứ chạy tới, chạy lui, bà phải cầm chén cơm chạy theo sau lưng tôi đút từng muỗng cơm. Ngoại thường nói nuôi con không vất vả bằng nuôi cháu. Nuôi cháu như nuôi gà con lạc mẹ.

Rồi tôi chập chững biết đi. Mỗi lần bị ngã, tôi khóc. Ông ngoại lại dìu tôi đứng lên, vỗ về động viên, ân cần và âu yếm. Ông nhìn khắp người tôi xem có trầy xước gì không rồi lại quay sang mắng yêu cái ngạch cửa, hòn đá làm tôi ngã: "Chết bầm mày! Ông la nó rồi, con đừng khóc nữa". Tôi bật cười quên đau, nín khóc .
Đến tuổi mẫu giáo, sáng nào bà ngoại cũng đưa tôi đến trường bằng xe đạp. Trên đường đi, hai bà cháu nói đủ chuyện rất vui. Tôi được ngoại lo cho chẳng thiếu thứ gì. Tôi không rời xa ngoại một bước. Đêm đêm, tôi ôm ông ngoại ngủ, những khi bị bệnh, tôi ngủ với bà ngoại để bà lo thuốc men cho tôi…
Mỗi đêm, ngoại dạy tôi học. Bà cầm tay nắn nót cho tôi tập viết từng chữ, dạy tôi học toán, học cửu chương… Và cứ thế tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương chăm sóc của bà ngoại.
Lớn lên một chút, ông ngoại dạy tôi cầm búa đóng đinh, cầm cây kềm, cái cưa… Ống nước trong nhà bị hư hoặc bể, ông ngoại dạy tôi cách thay, cách dán keo nối ống… Khi vui thì tôi làm, khi nào mê chơi thì tôi chạy trốn. Ông nói: “Không có con, ông ngoại vẫn làm được nhưng ông ngoại muốn tập cho con quen tay, lớn lên con biết mà làm. Nếu con có cha như mấy đứa cháu khác, ngoại để ba con dạy cho”.
Tôi càng lớn, ông bà ngoại càng già yếu, mẹ tôi không buôn bán nữa về quê chăm sóc cho ông bà ngoại và tôi. Học hết cấp 2, vì mê chơi games, tôi xao lãng việc học, mẹ gửi tôi vào nội trú ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi lại xa mẹ, xa ngoại. Có khi vài tháng mới về thăm nhà, thăm ngoại một lần. Rồi ông mất, nhà chỉ còn bà với mẹ, vắng vẻ, hiu quạnh lắm!
Bà ngoại cũng yếu lắm rồi và mẹ tôi cũng già đi nhiều. Mỗi khi có dịp nghỉ học, tôi đều về thăm ngoại. Lần nào về, tôi cũng thấy bà lầm lũi làm cỏ ngoài vườn, chăm sóc cây trái. Mỗi khi có chuối chín, ngoại ép rồi phơi khô. Có dịp, ngoại gửi lên trường làm quà cho tôi. Đó là món quà quý giá mang hương vị quê hương và tình yêu thương của bà ngoại.
Mỗi lần tôi về ngoại hay bảo mẹ nấu món này món kia. Ngoại hay nói với tôi: “Trong các đứa cháu, ngoại lo cho con nhiều nhất bởi vì con thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ từ lúc nhỏ. Ngoại gắng sức phụ với mẹ con, chăm sóc dạy dỗ cho con nên người để mai này ngoại già yếu, mất đi, con có thể tự chăm sóc cho mình và chăm sóc cho mẹ con lúc tuổi già”.
Từng ngày, từng ngày, tôi lớn lên, tuy không còn vấp ngã trong bước đi nhưng lại có vô số vấp ngã khi tập tễnh bước vào đời. Xa ngoại rồi chẳng còn ai nâng đỡ, dỗ dành động viên tôi như ngày xưa nữa.
Mỗi lần về, hình như tôi thấy bà già yếu hơn một chút. Tuy tôi không khóc vang cả góc nhà như hồi còn bé nhưng tôi buồn lắm. Tôi lo một ngày nào đó, bà sẽ xa tôi như ông đã xa tôi vĩnh viễn. Bà nói: “Con cố học, bà sẽ đợi ngày con tốt nghiệp đại học trở về...”.
Tôi cố gắng học hành thành tài để không phụ lòng ông bà ngoại. Suốt cuộc đời này, tôi muôn nhớ ơn ngoại, nhớ mãi những lần hai ông cháu cặm cụi sửa ống nước, nhớ mãi những lời ru ngọt ngào của bà đã hát ru cho tôi ngủ lúc còn bé xíu:
Một đời gánh nắng gánh mưa,
Mòn vai của mẹ, mẹ chưa yên lòng.
Bình luận (0)