xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên?

Bạch Huy Thanh

Có nhiều tiềm năng, dư địa phát triển nhưng bãi giữa sông Hồng bị TP Hà Nội lãng quên nhiều năm qua

Sau khi UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng tỉ lệ 1/5000, mới đây thành phố đã đồng thuận, cho phép 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng".

Tiềm năng lớn

Bãi nổi sông Hồng (còn gọi là bãi giữa) là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm, với không gian xanh, rộng hàng chục hecta giữa thủ đô Hà Nội. Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết khu vực bãi giữa sông Hồng là một quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho thủ đô, tương phản với không gian sống chật chội của khu vực nội thị. Đây cũng là không gian duy nhất còn lại để có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái và văn hóa đầy hấp dẫn cho cộng đồng…

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên?
- Ảnh 1.

Bãi giữa sông Hồng rộng hàng chục hecta, có nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: HỮU HƯNG

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, bãi giữa sông Hồng là cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, kéo dài qua nhiều quận nội đô. Nơi đây phải trở thành công viên văn hóa, giải trí, nghỉ ngơi đặc biệt. Sắp tới, khi cầu Long Biên không còn đường sắt đi qua, chúng ta có thể biến cây cầu lịch sử này thành nơi kết nối, thưởng ngoạn công viên bãi giữa sông Hồng. Với diện tích rất lớn, quy hoạch phải xác định cụ thể nơi nào làm công viên xanh - trồng cây như rừng, nơi nào làm văn hóa. "Chúng ta có thể quy hoạch trồng rừng cây, hồ nước qua việc đào hồ, nơi vui chơi của trẻ con, người già, nơi hẹn hò của thanh niên… hay cả một bãi tắm trên sông Hồng.

Nhìn rộng ra ta có thể thấy ở Singapore, họ trồng cây, làm lưới hiện đại, thả chim chóc trong đó để trải nghiệm. Một công viên ở bãi giữa không thể là một công viên bình thường mà phải là một công viên đẳng cấp, hiện đại" - ông Chính nói.

Tuy có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển kinh tế xã hội, tạo lập không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, song theo ông Nguyễn Bá Nguyên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, suốt thời gian dài trước đó, các địa phương đã sao nhãng quản lý, khai thác, sử dụng khu vực bãi giữa sông Hồng.

Công tác quản lý tại khu vực sông Hồng nói chung và khu vực bãi giữa nói riêng còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Vi phạm an toàn hành lang thoát lũ; gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường sống; nhiều khu vực đất bãi giữa đã trở thành điểm vui chơi tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và gây ô nhiễm môi trường...

Phát triển bền vững

Để xây dựng không gian bãi giữa sông Hồng, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, cho rằng cần làm tốt công tác quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan, xây dựng lộ trình cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư và tranh thủ mọi nguồn vốn cho quá trình triển khai thực hiện. Công tác lập quy hoạch cần đi vào chi tiết, cụ thể đến từng khu vực, từng ô chức năng; phải xây dựng phương án khai thác, quản lý, vận hành không gian công cộng bãi bồi, bãi giữa; giải pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên ngay ở khâu lập quy hoạch…

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên?
- Ảnh 2.

Ảnh: HỮU HƯNG

Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông tiếp cận gồm giao thông dọc sông, cầu qua sông, tuyến đường thủy dọc sông... gắn với các giải pháp bảo đảm hành lang thoát lũ và thích ứng với điều kiện thủy văn của sông; phát triển những tổ hợp kiến trúc điểm nhấn dọc sông Hồng; kết nối không gian sinh thái sông Hồng với hệ thống các tuyến sông, mặt nước đô thị. "Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, có thể tranh thủ sử dụng nguồn lực từ chính những cơ chế chính sách để tạo sự hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng dân cư cùng tham gia. Những chính sách linh hoạt, phù hợp có thể tháo gỡ khó khăn trong nguồn lực, hướng tới đầu tư xây dựng một không gian văn hóa công cộng đáng sống, tạo dấu ấn, bản sắc riêng cho thủ đô Hà Nội" - ông Khuyến nêu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, để khu vực bãi giữa là điểm nhấn của trục cảnh quan sông Hồng, cần phải tiến hành nghiên cứu quy hoạch tổng thể vùng sông Hồng, trong đó xác định cầu Long Biên là một thông số quan trọng và tất yếu. Nguyên tắc thiết kế chủ đạo khu vực này cần phải hạn chế tối đa bê-tông hóa; quy hoạch cảnh quan thích ứng thủy văn của sông Hồng, quy hoạch cảnh quan khu vực phục vụ cho cộng đồng; khai thác tối ưu cảnh quan môi trường tự nhiên trong các thời điểm, kịch bản khác nhau nhưng vẫn đạt được nhu cầu tiện ích sử dụng cao; kiến trúc thích ứng, lắp ghép, linh hoạt, thân thiện môi trường; cảnh quan khu vực sử dụng các vật liệu tự nhiên, truyền thống như tre, gỗ...

Góp ý để phát triển bền vững khu vực bãi giữa sông Hồng, ông Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng cần phải chọn giải pháp thiết kế với mật độ xây dựng ít nhất trên mặt đất của bãi giữa. Với các bãi bồi ven bờ, việc tạo dựng vật thể kiến trúc, nhất là loại có quy mô rộng và cao có thể mật độ đậm đặc hơn, nhưng cần có tính toán và điều tiết hợp lý. Việc phát triển các không gian này trong trục lõi đô thị đã xoay về hướng sông nên càng cần được xem xét thấu đáo. Trong những giải pháp đó, những chiếc cầu bắc qua, nhất là những chiếc cầu mang yếu tố lịch sử cần được tham chiếu, tích hợp để trở thành những miếng ghép tạo lập. Ngoài ra, vấn đề văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam cũng cần ưu tiên đặc biệt, nhằm tạo cơ hội tôn vinh, thăng hoa cao nhất ở những vùng đất này. 

Cần chính sách đặc thù

Ông Nguyễn Bá Nguyên cho biết theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, khu vực bãi giữa và bãi bồi ven sông được định hướng xây dựng công viên cây xanh cảnh quan, công viên văn hóa, quảng trường đô thị và các công trình mang biểu tượng của thủ đô. Trước hết, thành phố sẽ nghiên cứu lập đề án, quy hoạch chi tiết bãi giữa thành công viên văn hóa đa chức năng, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ nội đô và thành phố phía Bắc trong tương lai (theo quy hoạch chung thủ đô đang xây dựng) và các công trình dịch vụ tiện ích, phục vụ tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn. "Hà Nội cần được trao chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lập quy hoạch chi tiết khu công viên bãi giữa sông Hồng" - lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nêu.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo