Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 68,98 tỉ USD. Trong trường hợp đầu tư ngay hạ tầng, thiết bị, phương tiện để phục vụ khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam, vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỉ USD.
Có thể khẳng định việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/giờ cho tầm nhìn xa 50 - 100 năm nữa là hoàn toàn hợp lý nhưng chưa thể làm được ngay. Cần nghiên cứu tường tận, đặc biệt là nhu cầu và khả năng sau này thế hệ sau có làm nổi hay không?
Bởi hiện có những nước thực dụng, dù ít mơ mộng hơn nhưng chắc chắn họ cũng nhìn xa trông rộng, chỉ dùng tàu chạy tốc độ tối đa là 160 km/giờ. Họ cải tạo và tận dụng đường ray khổ nhỏ 1 m. Hàng ngàn ki-lô-mét, chứ không ít. Họ có giàu không? Chắc chắn là giàu hơn Việt Nam nhiều và họ vẫn tiếp tục giàu lên. Vấn đề quan trọng ở chỗ họ biết quản lý, biết khai thác di sản, chứ không phải là "vẽ chuyện" mới!
Trên thực tế có những vấn đề cấp thiết hơn. Ví dụ, cải tạo và cả xây thêm trường học, bệnh viện; xây nhà giá rẻ để công nhân thuê, cung cấp thêm nhà ở xã hội… Đây mới là những dự án giúp nâng cao cuộc sống của nhân dân nói chung.
Có người nói ô tô sẽ cạnh tranh với xe lửa tốc độ 200 km/giờ! Sao được? Ô tô hiện tối đa cũng chỉ chạy trung bình chừng 80 km/giờ thôi! Còn nếu muốn nghiên cứu để thế hệ sau tiếp tục làm đường sắt tốc độ cao thì nên nghiên cứu tàu lửa tốc độ trên 600 km/giờ, tức tàu maglev.
Cần biết Công ty Đường sắt Trung tâm Nhật Bản (JR Central) đang tiến hành xây dựng một tuyến maglev nối liền Tokyo với Osaka. Theo dự kiến, đoạn Tokyo - Nagoya sẽ được khai trương vào năm 2027, trong khi đoạn từ Nagoya đến Osaka dự kiến hoàn thành vào năm 2037.
Nghiên cứu về hệ thống đường sắt tốc độ cao maglev - mà người Nhật vẫn gọi là shinkansen - dựa trên sự nổi của từ trường, gọi là maglev, đã được JR Central tiến hành từ những năm 1970. Công nghệ liên quan đến đoàn tàu và đường ray đã được chuẩn bị xong, hơn 100.000 hành khách đã trải nghiệm dịch vụ tốc độ tuyệt vời này. Trên tuyến thử nghiệm Yamanashi ở Nhật Bản, đoàn tàu nổi từ trường maglev đã đạt tốc độ 603 km/giờ, biến chúng thành những đoàn tàu nhanh nhất trên thế giới, tính đến nay.
Tàu lửa ở Thái Lan thì thế nào? Cũng có tàu tốc độ cao... vừa vừa, 250 km/giờ, từ Bangkok đến thành phố Đông Bắc Nakhon Ratchasima (còn gọi là Korat), cách Bangkok khoảng 250 km, với kế hoạch mở rộng đến Khon Kaen và Udon Thani - 2 thành phố lớn khác - sau đó đến biên giới Lào tại Nong Khai, kết nối với đường sắt Lào do Trung Quốc xây dựng đến biên giới Trung Quốc.
Thái Lan cũng lựa chọn loại toa xe Fuxing, công nghệ của Trung Quốc nhưng theo Asia Times, chính phủ Thái Lan chi tiền toàn bộ, không vay ai và buộc các công ty Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ mới chịu cho làm. Các công ty này đều phải đồng ý. Cách này không tồi.
Vẫn theo Asia Times, chính phủ Thái Lan đã rút kinh nghiệm đau thương của một số nước vay tiền từ bên ngoài và bị rơi vào bẫy nợ, phải gán tài sản đất nước để trả. Điển hình, Sri Lanka, do không trả nổi nợ vay, đã phải gán cả hải cảng Hambantota cho Trung Quốc điều hành đến 99 năm nhằm giảm bớt chứ cũng chưa trả hết được nợ của Trung Quốc.
Bình luận (0)