Theo các tính toán, sao chổi C/2023 A3 - hay còn gọi là Tsuchinshan-ATLAS - sẽ đạt đến điểm cận địa (điểm gần Trái Đất nhất) vào ngày 12-10 sắp tới, sau 80.000 năm tuyệt tích.
C/2023 A3 có "quê hương" là Đám mây Oort, thường được ví như "vùng tăm tối" của hệ Mặt Trời, một vành đai nằm ngoài rìa của hệ với rất nhiều tiểu hành tinh và sao chổi băng giá.
Theo SciTech Daily, trong thời gian có thể quan sát được - bắt đầu từ điểm cận nhật (gần Mặt Trời nhất ngày 27-9 cho đến ngày 2-11 - sao chổi này có thể đạt độ sáng tương đương sao Bắc Đẩu.
Thậm chí một số tính toán cho thấy sẽ có giai đoạn nó sáng tương đương Sao Hôm - Sao Mai (hai tên gọi khác của hành tinh Sao Kim).
Độ sáng này là nhờ hiện tượng thăng hoa đã xảy ra trên thiên thể nhờ cú tiếp cận nóng bỏng với Mặt Trời.
Vật thể thú vị này đã được con người hiện đại phát hiện vào đầu năm 2023 bởi các đài quan sát ở Nam Phi và Trung Quốc và nhanh chóng khơi dậy sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng thiên văn học.
Thực ra nhân loại đã từng được chiêm ngưỡng nó, có thể rõ ràng hơn nhiều so với chúng ta ngày nay, giữa bầu trời quang đãng hơn nhiều 80.000 năm về trước, khi tổ tiên chúng ta còn chia sẻ địa cầu với nhiều loài người khác.
Theo nhà khoa học Franck Marchis, nhà đồng sáng lập cộng đồng thiên văn Unistellar kiêm Giám đốc Khoa học công dân tại Viện SETI (Mỹ), nếu sao chổi này sống sót sau điểm cận nhật, nó sẽ trở thành một trong những vật thể sáng nhất có thể nhìn thấy ở Bắc bán cầu.
Vì vậy, C/2023 A3 có thể trở thành một trong các đối tượng thiên văn quan trọng nhất của thập kỷ, nhất là khi nó cung cấp một "cửa sổ" để chúng ta hiểu thêm về Đám mây Oort bí ẩn.
Bình luận (0)