Điều đáng buồn là những biểu hiện tồi tàn đó xuất hiện nhan nhản, hầu như ở bất cứ vụ tai nạn nào mà hàng đổ ra đường có thể xài ngay được như trái cây, ốc hương, bia, mì gói... và cả dầu hỏa.
Hành vi này nói theo dân gian là ăn giựt, nói theo pháp luật là trộm cắp hoặc cướp tài sản. Đó là điều sai trái và chả tốt đẹp gì nhưng lại được người ta thực hiện một cách công khai và vô tư đến mức toát lên cái vẻ tự mãn đến lạnh người.
Tôi tự hỏi không biết những thức ăn, đồ uống đó họ mang về dùng, họ có thấy ngon không, lương tâm họ có chút gì áy náy khi nghĩ đến vẻ mặt đau khổ, những lời năn nỉ của người tài xế phải lâm vào cảnh họa vô đơn chí? Tôi đoán là họ sẽ không nghĩ gì và thậm chí còn tự hào khoe khoang rằng “ta đã nhanh chân hơn người”.
Tôi tin rằng những người hôi của có thừa tiền để mua mấy trái bưởi, mấy lon bia nhưng tại sao họ vẫn đi hôi của? Phải chăng ăn của “chùa” bao giờ cũng thú vị hơn, ngon hơn của mình? Nếu tâm lý đó đúng thì thật đáng buồn vì họ không chỉ đánh mất lòng tự trọng vì miếng ăn mà còn vì cái thú vui ích kỷ, bệnh hoạn.
Có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian, giấy mực và cả trình độ để phân tích nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bần cùng về nhân cách của một bộ phận người Việt nhưng theo tôi nghĩ nguyên nhân rõ ràng nhất là thực thi pháp luật chưa nghiêm.
Nhân cách một con người hình thành không chỉ bằng các bài học luân lý mà còn bằng luật lệ cứng rắn. Nếu các bài học luân lý đánh vào lương tâm, lòng tự trọng thì pháp luật đánh vào tâm lý lo sợ bị phạt, bị tù tội. Vì vậy, kêu gọi ý thức, lương tâm, lòng tự trọng đối với những người hôi của thì thật là vô nghĩa.
Cái lợi mà người hôi của có được không lớn nhưng để lại những cái hại không hề nhỏ. Trước mắt là thiệt hại của tài xế gặp nạn, sau nữa là tình hình an ninh trật tự ở địa phương không bảo đảm. Và quan trọng nhất là hành vi hôi của nếu không được xử lý nghiêm sẽ thành thói quen, trở nên bình thường trong xã hội và sẽ bắt thang cho hàng loạt hành vi coi thường pháp luật khác.
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền, vì vậy hãy bảo vệ những người dân thân cô thế cô trước kẻ hôi của và bảo vệ cả cái lương tâm của người Việt bằng những công cụ pháp lý cứng rắn của mình. Việc đó theo tôi không hề khó, chỉ cần khi xảy ra tai nạn, chính quyền địa phương cử lực lượng bảo vệ hiện trường, ngăn cản và xử lý thật nghiêm những kẻ hôi của thì những người khác sẽ chùn tay.
Bình luận (0)