Nhìn vào cách phản ứng của nhà trường với các vụ học sinh đánh nhau rộ lên trong thời gian qua, dễ thấy nhà trường và các thầy, cô giáo đều ở trong tình trạng hoàn toàn bị động. Nếu những video clip liên quan đến bạo lực học đường không được chính các em tung lên mạng, có lẽ nhà trường chẳng hề hay biết.
Từ sự “nhiễu” thông tin
Trong lý thuyết truyền thông có khái niệm “nhiễu thông tin”. Sự “nhiễu” ấy hiện nay tồn tại trong môi trường truyền thông khá nhiều. Đó là “thần tượng hóa” những mẫu hình nào đó, thông qua công nghệ lăng xê, dù mẫu hình đó không hoàn chỉnh; là sự quảng bá rầm rộ của những bộ phim, trò chơi điện tử... mà nội dung của chúng chưa hẳn là đã tốt.
Trong truyền thông cũng yếu tố “3S” (tiếng Pháp: sang-sexe-scandal – máu, giới tính và các vụ tai tiếng) thu hút bạn đọc mà người làm truyền thông đã dựa vào rất nhiều. Thông tin bạo lực (sang) là một trong những yếu tố thu hút ấy. Vì thế, nó được vận dụng nhiều trong những bộ phim hành động, trên sách báo, trên các trò chơi điện tử mà điển hình là các game chiến thuật, game hành động... Chúng hấp dẫn nên đạt hiệu quả kinh tế cao và người ta càng khai thác chúng rầm rộ.
Cũng điều đó trở thành những thứ làm “nhiễu” môi trường giáo dục chính thống, nơi trẻ nhỏ được dạy biết yêu thương, biết kiềm chế, biết cảm ơn và xin lỗi. Đấy là một trong những mầm mống của bạo lực giới trẻ mà xuất phát điểm chính từ người lớn, vì lợi nhuận, đã gieo những hạt cây độc hại.
Phạm Trần Nguyên Thanh (quận 3-TPHCM)
Học để phân biệt đúng – sai
Tôi đã từng được xem một bộ phim tư liệu của nước ngoài nói về những kẻ giết người hàng loạt. Trong nhiều vụ án như thế, hung thủ có những khiếm khuyết ở não bộ, ở một vùng trên vỏ não giúp con người biết nói “không” với những điều sai trái... Nhưng đó là những trường hợp rất hiếm hoi. Có những người được sinh ra với não bộ hoàn chỉnh nhưng họ vẫn không thể nói “không” trước khi thực hiện hành vi xâm hại đến đồng loại.
Bạo lực sinh ra từ những cảm xúc nóng nảy, từ sự hiếu thắng bản năng của con người. Con người có thể chế ngự được nó là nhờ những điều họ đã được dạy để sống và tồn tại trong một xã hội có văn minh. Phải chăng nhiều người trong giới trẻ vẫn chưa nhận được sự giáo dục cần thiết để phân biệt đúng-sai, để biết cách ứng xử chừng mực trong quan hệ xã hội hằng ngày?
Trần Thu Anh (quận Bình Thạnh – TPHCM) Những “bản sao” lỗi
Thấy đứa cháu nhỏ ở nhà dán mắt vào một bộ phim kiếm hiệp trên truyền hình, với cảnh “người hùng” một mình giết cả chục kẻ địch, tôi tự hỏi ngoài cháu tôi có bao nhiêu đứa trẻ nhỏ cùng tuổi đang xem bộ phim ấy, một khi các chương trình truyền hình hiện nay vẫn không phân định rõ ranh giới đối tượng người lớn - trẻ nhỏ? Liệu tất cả chúng có được người lớn chỉ cho rằng đó chỉ là sự phóng đại của điện ảnh và trong thời buổi văn minh hiện nay, người ta không thể dễ dàng tước đi mạng sống của một con người như mấy trăm năm trước, dù đó có là kẻ tội phạm? Cho dù vài năm nữa khi lớn lên, chúng có hiểu ra được vấn đề thì sự ảo tưởng về định nghĩa “người hùng” cũng đã ăn sâu vào tiềm thức quá lâu. Không ai dám chắc tiềm thức không trỗi dậy trong những cơn nóng giận bột phát.
Trẻ nhỏ “sao chép” những điều chúng được thấy và chính những điều ấy sẽ quyết định lối sống của chúng khi trưởng thành. Sinh trưởng trong thời kỳ bùng nổ thông tin, thanh thiếu niên ngày nay có nhiều kênh thông tin để lựa chọn. Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm sống của tuổi trẻ nếu cộng thêm sự thiếu định hướng rất có thể dẫn đến những lựa chọn sai lầm. Khi đó, sự ra đời những “bản sao” lỗi là điều không thể tránh khỏi.
Hoàng Chiêu Khánh (Biên Hòa - Đồng Nai) |
Bình luận (0)