Sáng 11-5, có đến 10 đoàn công tác từ Bộ Y tế đã có mặt tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi để tìm hiểu nguyên nhân gây “bệnh lạ”. Đây là đợt điều tra nguyên nhân gây bệnh quy mô nhất từ trước tới nay. Khác mọi lần, đợt này, các đoàn chia nhỏ và phối hợp để trợ giúp nhau.
Ngay từ sáng, hầu hết các thôn bản tại xã Ba Điền như Gò Nghênh, Làng Rêu, Hy Long, Tương… đều có người của ngành y tế thuộc Viện Pasteur TPHCM, Viện Pasteur Nha Trang, Cục Y tế dự phòng, Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… đổ đi lấy mẫu, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến đời sống người dân. Theo một chuyên gia y tế, các đoàn sẽ tổng điều tra trên 280 hộ dân, tập trung vào cả người bệnh và không mắc bệnh.
Trong ngày, UBND huyện Ba Tơ đã cấp gạo đợt đầu cho những người dân trong vùng “bệnh lạ”. Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ tạm thời 15 kg gạo/bệnh nhân. Từ sáng 12-5, huyện sẽ triển khai hỗ trợ 60 tấn gạo trắng cho dân, chia làm 2 đợt, mỗi người sẽ được nhận 45 kg/3 tháng”.
Giải thích vì sao số ca bệnh thực tế còn nhiều mà ngành y tế địa phương không hay biết, bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế Ba Tơ, phân trần: “Chúng tôi đã cử cán bộ vào “nằm vùng” để phát hiện người mắc bệnh và cấp tốc đưa đi điều trị. Song, hầu hết người bệnh không chịu đến cơ sở y tế, cũng như bệnh mới phát sinh nên rất khó thống kê”.
Một bệnh nhi mắc “bệnh lạ” điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Định. Ảnh: HỒNG ÁNH
Chưa thể trị tận gốc “bệnh lạ” Gần đây, BV Đa khoa Bình Định đã tiếp nhận 9 trường hợp “bệnh lạ” biến chứng nặng từ BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (BV Quy Hòa).
Trong đó, 4 người đã chết, 4 trường hợp tạm thời phục hồi các chức năng sống và một bệnh nhi đang được tích cực điều trị. Hôm nay, 12-5, đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ đến tìm hiểu về bệnh án của bệnh nhi này.
Theo các bác sĩ BV Đa khoa Bình Định, khi “bệnh lạ” chuyển qua giai đoạn biến chứng, ảnh hưởng đến nội tạng và các chức năng sống thì khả năng tử vong cao.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc BV Đa khoa Bình Định, cho biết 9 bệnh nhân phải chuyển đến BV này vì đã biến chứng, trong khi BV Quy Hòa chỉ sở trường về điều trị ngoài da.
“Họ đều bị rối loạn điện giải, rối loạn chức năng gan, khi chuyển đến BV Đa khoa Bình Định đã trong tình trạng lơ mơ, sau đó hôn mê” - ông Minh nói.
Ông Minh khẳng định BV đang tập trung mọi nguồn lực nhằm cứu sống các trường hợp “bệnh lạ”. Khi tiếp nhận bệnh nhân, BV đã liên hệ các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, cấp cứu trong nước để tham khảo cách điều trị hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận: “Chúng tôi chỉ cắt cơn nguy hiểm, chưa thể điều trị tận gốc vì chưa biết nguyên nhân bệnh do đâu”.
Theo bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng Khoa Nhi BV Đa khoa Bình Định, người mắc “bệnh lạ” như mang túi độc trong người. Việc điều trị hiện nay là làm giảm ảnh hưởng của túi độc ấy chứ chưa thể loại bỏ vì không biết nó như thế nào, nằm ở đâu.
“Khi được cho xuất viện, bệnh nhân có lẽ vẫn còn mang túi độc trong người và khả năng tái phát bệnh là hoàn toàn có thể xảy ra” - bác sĩ Toàn nhận định.
Hồng Ánh |
Bình luận (0)