Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP E-paper

Gian nan chống hàng giả

Thanh Nhân

Tốc độ phát triển của hàng giả ngày càng nhanh và tinh vi, nhưng công tác chống hàng giả ngày càng bất cập và kém hiệu quả

Làm thế nào để bảo vệ hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng khỏi hàng giả, hàng nhái… là các vấn đề được thảo luận tại hội thảo “Nâng cao nhận thức của công chúng về thực thi quyền sở hữu trí tuệ” do dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (EU – Việt Nam MUTRAP III) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam (VATAP) tổ chức sáng 20-4 tại TPHCM.
 
img
Cơ quan chức năng kiểm tra một điểm sang chiết, đóng gói tân dược trái phép tại TPHCM. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Hàng giả ngày càng tinh vi

Hiện tượng hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến trên thế giới và tăng nhanh. Ông Laurent Manderieux, giáo sư Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), chuyên gia dự án MUTRAP, cho biết: Cuộc cách mạng kỹ thuật số phát triển đã vô tình tạo điều kiện cho đối tượng sản xuất hàng giả làm ra những sản phẩm giống hàng thật; sự phát triển của thương mại quốc tế làm tăng hoạt động xuất nhập khẩu hàng giả trên toàn thế giới.
 
Theo các hiệp hội doanh nghiệp (DN), hoạt động làm giả, làm nhái chiếm đến 10% thương mại quốc tế. Một vài số liệu dự đoán còn cho thấy hoạt động này lên đến 1.000 tỉ USD, tăng 18 lần trong vòng 12 năm qua. Ngoài ra, theo nghiên cứu của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) năm 2007, giá trị hàng giả bị bắt giữ tại hải quan là 200 tỉ USD, lớn hơn GDP của 150 nước.

Tại Việt Nam, hàng gian, hàng giả, hàng nhái đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Theo ông Hoàng Công Sơn, Đội QLTT 3A - TPHCM, hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm SHTT ngày càng phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng. Tại TPHCM, địa bàn kinh doanh hàng giả, hàng gian chủ yếu ở quận 1, 5, 6, Tân Bình và tập trung ở các chợ Bến Thành, An Đông, Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình. Trong số các mặt hàng giả bị cơ quan chức năng phát hiện, hàng may mặc, tiêu dùng bằng da hoặc giả da, băng đĩa sao chép lậu, mực in máy tính, đồng hồ, mắt kính, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, phân bón…
 
Thủ đoạn sản xuất hàng giả, xâm phạm SHTT ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, phổ biến là dùng hàng kém chất lượng hoặc các nguyên liệu rẻ tiền pha trộn với một lượng hàng thật theo tỉ lệ nhất định hoặc tự sản xuất hàng giả rồi dán nhãn mác DN đã được đăng ký nhãn hiệu. Nhất là đối với dược phẩm, mỹ phẩm, văn hóa phẩm giả được sản xuất rất tinh vi, mẫu mã bao bì không khác gì hàng thật và nếu không có sản phẩm thật để đối chiếu hay DN sản xuất hàng thật giúp nhận diện thì cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng không thể phân biệt được.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam, cho rằng tốc độ phát triển hàng gian, hàng giả đã và đang được đẩy nhanh. Chẳng hạn một loại mỹ phẩm mới đang tiêu thụ mạnh trên thị trường thì chưa đầy một tháng sau đã tràn ngập hàng giả. Đối với tân dược cũng vậy. Đối tượng kinh doanh hàng giả chỉ cần cầm một vỉ thuốc đưa sang Trung Quốc đặt hàng, 15 ngày sau sẽ nhận được hàng ngàn vỉ thuốc giả y như thật.

Chưa đồng bộ

Ông Lê Thế Bảo cho rằng công tác kiểm tra, phát hiện hàng giả, hàng nhái ngày càng yếu kém. Hoạt động của các lực lượng chống hàng giả như công an, QLTT, hải quan, thanh tra chuyên ngành… chưa mạnh, sự phối hợp chưa đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả công tác. Luật, thông tư, nghị định liên quan đến SHTT được ban hành nhiều nhưng lại chồng chéo nhau, gây khó khăn cho cơ quan thực thi và vô tình cản trở cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.
 
Chẳng hạn, việc xử lý hàng giả, hàng nhái bắt buộc phải có giám định nhưng kết quả giám định chỉ được coi là một nguồn chứng cứ để giải quyết vụ việc khiến các đơn vị thực thi lúng túng (nhiều mặt hàng có chi phí giám định rất đắt, lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu kết quả giám định không trùng khớp với kết luận cuối cùng thì đơn vị thực thi phải chịu phí giám định, thậm chí bồi thường). Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi không có kinh phí hoạt động, chế tài vi phạm chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính rườm rà không hợp lý dẫn đến việc khi chuẩn bị xong thủ tục thì đối tượng làm hàng giả đã biến mất, phi tang tang vật…
 
Các DN chưa quan tâm đúng mức đến việc phòng ngừa, chống hàng giả. Hàng giả từ nước ngoài vào Việt Nam nhiều. Rất nhiều trường hợp các cơ quan thực thi bắt được hàng giả, yêu cầu DN xác nhận đó là hàng giả của đơn vị mình nhưng bị DN từ chối vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu… cũng là những rào cản lớn làm cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả thời gian qua suy giảm.

Theo các diễn giả, nếu tách riêng ra thì không có biện pháp chống hàng giả nào hữu hiệu mà phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các giải pháp, sự phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý thì chống hàng giả mới có kết quả.
 
TPHCM: 730 vụ giả mạo nhãn hiệu

Trong năm 2010, lực lượng QLTT TPHCM xử lý 577 vụ giả mạo nhãn hiệu với tổng số tiền phạt lên đến hơn 3,3 tỉ đồng, tiêu hủy số lượng hàng giả trị giá đến hơn 3,5 tỉ đồng. Riêng trong quý I/2011 phát hiện 153 vụ giả mạo nhãn hiệu, xử phạt 151 vụ với hơn 980 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 116 triệu đồng.
 
Hàng giả chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc, giả các nhãn hiệu nổi tiếng như đồng hồ giả nhãn hiệu Thụy Sĩ; túi xách giả nhãn hiệu Louis Vuitton, Gucci, Chanel; mắt kính giả nhãn hiệu Rayban… Hàng trong nước thì có gas giả, xà bông giả nhãn hiệu Omo, đường Biên Hòa giả…
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo