Tính độc quyền của sân khấu không còn như xưa, nên động cơ thôi thúc người mê cải lương đến rạp dần dần bị phai nhạt. Theo tôi, đây là nguyên nhân chính, vì cung đã đáp ứng quá đủ cho cầu.
Cái réo rắt, chân chất của câu vọng cổ đã nuôi lớn biết bao tâm hồn người dân đồng bằng sông Cửu Long
Thứ hai, không có những vở tuồng mới gây ấn tượng, mang tính tâm lý xã hội sâu sắc hay ca ngợi anh hùng, quân tướng, sự tích...truyền tải những nếp sống thanh cao, tinh thần bất khuất, ý chí quật cường...cho xã hội nhân bản. Điều này một phần do thiếu soạn giả cải lương có tài, có kiến thức uyên bác. Phần khác, đề tài mỗi ngày một ít đi vì người đi trước đã khai thác hết rồi.
Thứ ba, lớp nghệ sĩ cải lương vừa có nhan sắc, ngoại hình lý tưởng, có chất giọng đặc biệt trời phú quá ít. Đa số đều hát giông giống nhau; nam cũng như nữ nghệ sĩ hiện nay hình như có khuynh hướng hát giọng kim hơn là giọng thổ như lớp nghệ sĩ của thế hệ trước nên chưa gây được dấu ấn như Thành Được, Thanh Sang, Tấn Tài, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Phượng Liên...
Cuối cùng, tình trạng "hát nhép" cũng góp phần làm suy giảm sự yêu thương của khán giả với nghệ sĩ. Nhiều lần đi du lịch sông nước tôi đều được nghe hát cải lương không micro, không amply, nghệ sĩ không phải là những người nổi tiếng, nhưng cái chất mộc mạc đó, cái chân thật đó mang tính lao động nghệ thuật thật sự, khiến cho du khách cho dù không mê cải lương nhưng vẫn phải chú ý lắng nghe để rồi ngồi thưởng thức lời ca tiếng hát, cái réo rắc của tiếng đàn lúc nào không hay.
Đến khi ra về không thể nào không móc hầu bao “boa” cho anh chị em nghệ sĩ miệt vườn. Và trên đường về, vẫn thấy đâu đây đọng lại dư âm của những bài ca vọng cổ, khiến cho du khách bồi hồi lưu luyến không thể nào quên!
Bình luận (0)