Bộ đội tiến về Sài Gòn năm 1975 (Ảnh: Internet)
Tháng 2-1975, tôi được lệnh tổng động viên và ngay sau đó hành quân vào Nam. Ngày 30-4 lịch sử, đơn vị tôi đang chiến đấu ở Xuân Lộc (Đồng Nai). Đến đầu giờ chiều hôm đó, chỉ huy đơn vị nhận được tin báo Sài Gòn giải phóng, đám lính chúng tôi nhất loạt tung mũ, nhảy cẫng lên reo hò.
Vài ngày sau, tình hình dần yên ổn nhưng chúng tôi nhấp nhổm không yên. Sài Gòn đã gần kề, đứa nào cũng háo hức muốn xem thử “hòn ngọc Viễn Đông” tròn méo ra sao! Thế là, hơn chục đứa len lén rủ nhau chuồn khỏi nơi đóng quân trong một cánh rừng cao su.
Ngã tư Hàng Xanh chụp năm 1970 (Ảnh: Internet)
Ra đến đường cái, xe khách chạy tuyến Xuân Lộc – Sài Gòn đã được phục hồi. Chúng tôi ngoắc đại một chiếc xe, nói muốn đến Dinh Độc Lập. Thấy chúng tôi mặc đồ bộ đội, bà chủ xe nhất quyết không lấy tiền.
Xe qua cầu Sài Gòn, tiến đến Hàng Xanh. Lúc đó, tôi thấy ngã tư này nhỏ xíu. Bên lề đường ken đầy người bán bánh mì. Bánh mì Sài Gòn khác hẳn bánh mì chúng tôi vẫn ăn ngoài Bắc, vừa to, vừa mềm. Dúi vào tay chúng tôi túi bánh mì, bà chủ xe bảo xe này không vào Dinh Độc Lập và chỉ chúng tôi cứ đi thẳng đến Sở Thú rồi hỏi tiếp đường là đến.
Cuốc bộ trên đường phố Sài Gòn ngay sau ngày giải phóng có cảm giác thật khó tả. Tôi sinh sống ở thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh; từ nhỏ cũng đã thấy nhà lầu, cũng xài điện, nước máy nên không lạ lẫm lắm. Nhưng đường phố lúc ấy rộng thênh thang, vỉa hè “bát ngát” tha hồ mà bước. Bao trùm là một bầu không khí yên tĩnh và thanh bình như thể chiến tranh chưa từng chạm đến nơi này.
Đến khi đứng trước cổng Dinh Độc Lập rồi, chúng tôi vẫn chưa dám tin mình đã đặt chân đến được nơi đã diễn ra thời khắc lịch sử của dân tộc. Trong tâm trí tôi vẫn còn lưu lại hình ảnh một Dinh Độc Lập thật to lớn, quy mô và đẹp lộng lẫy nằm bề thế giữa những ngả đường rộng lớn cùng rừng cây xanh rì phía trước.
Dinh Độc Lập những ngày đầu giải phóng
Một số người dân vẫy chào chúng tôi, số khác tỏ ra khá dè dặt nhưng không có vẻ sợ hãi hay tránh né. Tôi còn nhớ lúc đó mốt hippy đang “làm mưa làm gió” trong giới trẻ Sài Gòn. Nam, nữ thanh niên đều mặc quần ống loe, áo chẽn, tóc để dài quá vai. Do kiểu quần bó nên họ không nhét được bóp vào túi mà giắt ở thắt lưng.
Những lần vào Sài Gòn tìm người quen hay công tác sau đó, tôi dần quen với nhịp sống ở đây. Tuy vậy vẫn có nhiều chuyện cười ra nước mắt, chủ yếu là do cách dùng từ khác biệt giữa hai miền.
Có lần, tôi ra cửa hàng tạp hóa, nói với cô bán hàng là muốn mua nến. Nói mãi cô vẫn không hiểu nến là gì, tôi liền chỉ vào mấy cây nến trên sạp, cô “à” lên vỡ lẽ: “Trời đất, đèn cầy thì nói đèn cầy…”. Dần dần tôi biết thêm người miền Nam gọi “diêm” là “hộp quẹt cây”, phân biệt với “hộp quẹt máy” (loại bật lửa xăng), gọi "bánh xà phòng" là "cục xà bông"...
Đường phố Sài Gòn
Trở lại chuyến tham quan Sài Gòn “lụi”, ngắm Dinh Độc Lập xong, chúng tôi bắt xe khách về lại đơn vị. Biết thân biết phận, chúng tôi mon men theo đường mòn, nhưng không ngờ vẫn bị chỉ huy tóm tại trận.
Cả đêm đó, 13 đứa mê chơi bị bắt phạt đào hầm bở hơi tai. Dẫu vậy, tôi vẫn thấy sướng trong bụng vì đã được tận mắt nhìn thấy Sài Gòn ngay những ngày đầu giải phóng!
Bình luận (0)