Những năm gần đây, festival bỗng trở nên quen thuộc và phổ biến nhờ hàng chục cái được tổ chức mỗi năm, cả lớn lẫn vừa và nhỏ. Từ festival trong tiếng Anh có nghĩa là lễ hội. Có người thắc mắc sao không dùng từ lễ hội cho dân dã, dễ hiểu mà dùng từ festival? Vậy chắc phải có sự khác nhau giữa “lễ hội” và “festival”. Về cơ bản, festival hay lễ hội đều giống nhau, từ gian hàng ăn uống, trưng bày, hàng lưu niệm, thi thố, tôn vinh “chính chủ”, đến… nạn xả rác bừa bãi!
Sau đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội sắp tổ chức festival cầu Long Biên
Nhờ “cụ” gu-gồ (google) tìm thử, tôi mém bật ngửa khi đếm sơ sơ có đến hơn 20 cái festival, từ những festival quen thuộc, hoành tráng mang tầm vóc quốc gia quốc tế đến những festival có cái tên “mắc cười” ở cấp trường, cấp phường, cấp quận, cấp tỉnh dành cho đủ loại thành phần. Có thể kể ra các loại festival như: festival hoa Đà Lạt, festival Huế, festival cà phê, festival trà, festival trái cây, festival lúa gạo, festival diều, festival cồng chiêng quốc tế, festival thuyền buồm quốc tế, festival dừa, festival điều, festival thủy sản…
Có cảm giác festival đang bị lạm dụng. Ở một đất nước nông nghiệp, tổ chức festival cho từng loại nông sản là cách để tôn vinh và nâng cấp vị thế cho nông sản lẫn đất nước? Điều này đúng, nhưng lạm dụng quá thành ra chỉ mang tính hình thức. Sau mỗi festival đó chẳng biết có gì khác hay không, trong khi nông dân mình hàng ngày vẫn canh tác nông sản với kỹ thuật lạc hậu và năng suất thấp, bị thương lái ép giá lẫn những giống cây trồng của nước ngoài lấn át về năng suất và chất lượng.
Bức tranh vẽ rồng bằng nghệ thuật graffiti dài nhất Việt Nam (kích thước 2.000m2) tại Festival trái cây ở tỉnh Tiền Giang tiêu tốn khoảng 1,2 tỷ đồng.
Cũng nhờ cụ “gu-gồ”, tôi được mở mang tầm mắt và khai sáng cho đầu óc thiếu phong phú của mình khi biết thêm được những loại festival, như: festival hang động, festival Tây Sơn - Bình Định, festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương, festival thanh niên nông thôn, festival thanh niên làm kinh tế giỏi xây dựng đất nước, festival bơi lội học sinh, festival sáng tạo trẻ (quận Cầu Giấy - TP Hà Nội). Có cả… festival “con dom” (bao cao su) của sinh viên một trường Đại học Mỹ có chi nhánh tại Việt Nam. Sắp tới là festival mạng xã hội đầu tiên tại Việt Nam, rồi festival nghề Huế năm 2011…
Trong lúc chưa thể tính được số tiền khổng lồ tiêu tốn cho Đại lễ 1.000 Thăng Long – Hà Nội, TP Hà Nội lại chuẩn bị làm… festival cầu Long Biên! Không biết hàng chục tỷ đồng “quăng” vào những festival đó hiệu quả đến đâu, chỉ biết nỗi đói khổ, thiếu thốn ngập tràn của đồng bào miền Trung ruột thịt trong cơn lũ lụt, của trẻ em cơ nhỡ, của người già không chốn nương thân mỗi ngày một lớn hơn, vì cái nghèo chung của đất nước. Một người bạn của tôi cảm than rằng đất nước mình sắp trở thành đất nước của festival, sau cờ hoa, biểu ngữ, băng rôn, tuyên truyền!
Chẳng biết sẽ còn những loại festival nào xuất hiện trong thời gian tới? Nếu suy nghĩ đơn giản thế này: có festival cà phê thì không thể thiếu festival trà, trái dừa có festival thì trái điều cũng thể không lép vế chịu nằm im trên cây được. Trái điều có festival thì tại sao lại thiếu festival trái sầu riêng – một đặc sản ngon nhất nhì nước ta. Hình như festival dần trở thành nỗi “sầu chung” mất rồi…
Bình luận (0)