Được thành lập năm 2002, mái ấm Thiện Duyên đang nuôi dưỡng 120 người không lành lặn về sức khỏe, trong đó có50 em là nạn nhân chất độc da cam. Các bệnh nhân được chăm sóc, tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng, học chữ, học nghề, vui chơi, giải trí...
Một lớp học ở mái ấm Thiện Duyên
Bà mẹ của trăm con
Người đứng đầu thành lập mái ấm Thiện Duyên là bà Trần Thị Cẩm Giang Duyên (mọi người vẫn quen gọilà má Mười). Năm nay, dù đã gần bảy mươi, cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu nhưng má Mười lại tìm niềm vui cho mình bằng sự chăm sóc những mảnh đời không lành lặn. Hồi còn trẻ, má Mười tham gia hoạt động cách mạng và má từng bị chế độ cũ bắt giam vì tham gia kháng chiến.
Trong số 120 bệnh nhân đang nương tựa mái ấm Thiện Duyên, có người đã lớn tuổi nhưng đa số là trẻ em. Nhìn những đứa trẻ hình hài dị tật, bị gia đình bỏ rơi, má Mười nghĩ tại sao mình không đưa mấy đứa về nhà nuôi. Với đồng lương của mình, má có thể nuôi được 10 đứa trẻ. Nhưng dần dần, người ta đem con đến gửi hoặc đem bỏ ngoài cửa mái ấm nên số trẻ ngày một tăng lên. Có những lúc khó khăn tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng nhìn những đứa trẻ bất hạnh ấy, má Mười lại không nỡ.
Phòng chăm sóc bệnh nhân bị bại não
Nuôi một đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền càng không thể kể hết nỗi cơ cực. Trong số trẻ bị nhiễm chất độc da cam phần lớn đều bị bại não, phải nằm một chỗ hoặc đi lại rất khó khăn. Các em không tự làm chủ được cuộc sống cũng như hành vi của mình. Má Mười và các nhân viên ở đây phải luôn quan sát, lắng nghe từng biểu hiện nhỏ của các em. Tại phòng bại não là nơi để lại nhiều ấn tượng nhất cho những ai từng đặt chân đến nơi này. Trên mỗi giường, các em nằm, ngồi với đủ tư thế, miệng cười ngây ngô, vô cảm. Thoạt đầu, ai cũng ngạc nhiên vì trên giường không có mền, gối gì cả. Nhưng khi biết lý do, ai cũng chạnh lòng. Hằng đêm, các em làm bẩn hết đồ trên giường, sáng ra các cô bảo mẫu phải giặt phơi, đến tối lại trải cho các em nằm.
Những mảnh đời bất hạnh
Trần Cao Thiện, em bé bị bỏ rơi và được mái ấm mang về nuôi dưỡng. Mang chứng bại não vốn dĩ em đã bất hạnh nhưng giờ em còn bất hạnh hơn gấp nhiều lần bởi hậu môn của em không hoàn chỉnh. Nhìn em, chúng tôi thầm cảm phục ý chí sống còn của con người và cũng thầm cảm phục những tấm lòng nhân hậu nơi đây. Chị Duyên, năm nay đã 40 tuổi nhưng nhìn vẫn như trẻ thơ. Chị thường lên cơn đau đớn, rên la, vật vã... Các cô bảo mẫu phải chăm sóc cho chị mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh, ngủ nghỉ... Hơn một trăm người được nuôi dưỡng ở đây mồ côi có, bị bỏ rơi có và được gửi để nuôi cũng có. Đến mái ấm Thiện Duyên, họ không bị vất vưởng, bị bỏ rơi trên cõi đời. Tất cả mọi người được chăm sóc trong một môi trường ấm áp tình yêu thương, ấm áp tình đồng loại.
Với nhưng bệnh nhân đã được phục hồi chức năng, mái ấm tổ chức cho họ học nghề để cuộc sống của họ thêm ý nghĩa. Má Mười cho biết như vậy và dẫn chúng tôi đến nơi làm việc của các em. Tại Thiện Duyên, các em tự làm đủ thứ để có thu nhập, duy trì mái ấm: các sản phẩm kết cườm bằng tay khéo léo và tinh xảo; các loại thực phẩm như: muối tôm, muối ớt, nấm bào ngư, mứt là thành quả lao động của những con người bất hạnh. Năm 2008, các bệnh nhân ở Thiện Duyên đã lập kỷ lục khi làm chiếc bình bông kết bằng nút áo lớn nhất Việt Nam và đã được nhận thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Nhìn những con người bất hạnh nương tựa mái ấm Thiện Duyên, nương tựa vào nhau để sống trong tràn ngập tình yêu thương, ai đã đến nơi này đều cảm thấy cuộc đời này quá đẹp.
Bình luận (0)