Trong tội ác của em, theo tôi, có phần nào là do sự cứng nhắc của quy chế mà ngành giáo dục đề ra. Chính vì bây giờ nếu có vượt qua được môn Anh văn em cũng chỉ được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình. Điều này đã làm cho em có tư tưởng rằng em mất tất cả dù em đã cố gắng sau 7 năm. Các nhà quản lý giáo dục luôn kêu gọi mở rộng cửa trường cho mọi lứa tuổi, mọi người, khuyến khích một xã hội học tập; nhưng rào cản lại giăng khắp nơi thì thử hỏi làm sao em không cảm thấy bế tắc?
Trần Xuân Thanh bị bắt ngay sau khi gây án. Ảnh: Pháp Luật TPHCM
Trước đây tôi cũng có quen với một em sinh viên của trường ĐH B. Hoàn cảnh của em cũng giống như của Thanh. Tất cả các môn em đã qua khỏi nhưng em chỉ còn nợ lại một môn về chính trị. Chính vì vậy nên bằng của em bị giam lại. Nhưng em hạnh phúc hơn Thanh ở chỗ là em vẫn tìm được việc làm cho mình. Tuy nhiên điều khiến em đau khổ là bà ngoại em, người đã còng lưng nuôi em lớn khôn khi em mất cả cha lẫn mẹ, ngày càng đuối sức, chờ đứa cháu đem về tấm bằng cho bà hả lòng trước khi nhắm mắt.
“Làm sao em có thể mượn trường tấm bằng đó đem về cho bà em xem dù chỉ một ngày thôi hả chị?”, em nức nở hỏi tôi. Theo quy chế thì em buộc phải học và thi lại môn này. Nhưng chính vì ít sinh viên của khóa em phải thi lại nên trường không mở lớp mà bắt buộc em phải đợi khi lớp khóa dưới có mở lớp khi đó em sẽ được học chung. “Việc em phải bỏ giờ làm để đến lớp nghe bài giảng, bị điểm danh từng giờ lên lớp là chuyện nhỏ. Nhưng liệu bà em có chờ được đến khi em nhận được tấm bằng không hả chị…”. Em hỏi mà không có câu trả lời cho mình.
Tội ác nào cũng phải bị trừng phạt. Tuy nhiên cũng nên thương cảm cho những sinh viên (và cả xã hội) quá bị ám ảnh bởi cửa trường ĐH, một tấm bằng ĐH mà không tự liệu sức mình, tạo cho mình quá nhiều áp lực để rồi có một phút điên cuồng, đánh mất tương lai của mình và gây hại cho xã hội, cộng đồng. Tôi hy vọng rằng xã hội nên mở cho em một lối thoát sau khi em trả giá cho những hành động của mình.
Bình luận (0)