Vấn nạn côn đồ áo trắng đang có biểu hiện ngày càng phức tạp gây nhức nhối lương tâm chúng ta. Xã hội đang đòi hỏi các cơ quan hữu trách cần nhanh chóng có những biện pháp kịp thời để ngăn chặn hữu hiệu tình trạng này.
Bị cáo N.H.T đã đâm chết bạn học, bị TAND TPHCM phạt 2 năm tù về tội giết người. Ảnh: Phạm Dũng
Bị đâm vì nhìn đểu
Một ngày sau khi đoạn clip nữ sinh bị đánh hội đồng ở Nghệ An được tung lên mạng, ngày 16-9, ông Nguyễn Đình Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An, cho biết đã xác minh được nạn nhân vụ đánh hội đồng này là em Nguyễn Thị Hà Như, học sinh lớp 12 của trường.
Kẻ đánh nạn nhân dã man nhất là Nguyễn Thị Ngọc Huyền, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ. Theo lời kể của Hà Như khi làm việc với nhà trường, vừa tan học, em đã bị một nhóm đến túm tóc lôi đến khu vực gần Bệnh viện Đông Âu (xã Nghi Phú) và đánh hội đồng.
Trong đoạn clip ngắn, 3 cô gái đã thay nhau hành hạ mặc cho em Như ôm mặt nằm dưới đất chịu trận. Thậm chí, một nữ sinh mặc áo kẻ ô còn phi thẳng hai chân vào mặt Như. May mắn, mẹ của Như đi đón con, khi phát hiện sự việc đã lần hỏi theo nhóm trên và thấy con mình đang bị đánh nên xông vào cứu.
Một trong số người tham gia đánh Như trong clip này là Nguyễn Thị Ngọc Huyền, đã bị nhà trường đuổi học cách đây 2 năm vì vi phạm kỷ luật.
Vụ việc đã được trường báo cáo lên Công an TP Vinh, cơ quan này cũng cho biết đang xác minh, làm rõ những nữ sinh đã tham gia đánh hội đồng nữ sinh này.
Trước đó, sáng 13-9, sinh viên Phạm Thị Thùy, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng, cũng đã bị bạn học đâm liên tiếp năm nhát dao vàohai chân, sau lưng, mặt và tay dẫn đến trọng thương.
Lý do rất đơn giản, chỉ vì cho là bạn đã “nhìn đểu” mình, Quỳnh đã ra tay với bạn ngay trong lớp học. Một nữ sinh khác là Tuyết can ngăn cũng bị Quỳnh đâm vào tay.
Vụ em Lê Hải Anh (SN 1994), học sinh Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, bị đâm thủng bụng chỉ vì một cái “nhìn đểu” hồi tháng trước đến giờ vẫn còn gây bàng hoàng trong dư luận.
Vì một nguyên nhân rất không đâu, nhóm học sinh cuối cấp (SN 1993, 1994) đã dùng dao thanh toán nhau ngay iữa thanh thiên bạch nhật, thậm chí gây án xong, những kẻ côn đồ còn thản nhiên ngồi uống nước ven đường.
Trưa 25-8, tiếp tục có thêm một học sinh lớp 9 dùng dao đâm chết bạn. Đó là Vù Seo Phi, học sinh lớp 9A2 Trường THCS xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; nạn nhân là Giàng Seo Phổng, 14 tuổi.
Vù Seo Phi giấu sẵn dao trong người, ngay sau tiết học thứ 5 rút dao đâm khiến Phổng chết trên đường tới bệnh viện.
Cần hướng dẫn cụ thể biện pháp xử lý
Thiếu tướng Phạm Thanh Đàm, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội-Bộ Công an, cho rằng chính điều kiện dễ dàng tiếp xúc với tri thức mới, các luồng văn hóa từ bên ngoài, trong đó có những nội dung không lành mạnh, đã khiến nhiều học sinh chưa có nhận thức và hành động đúng đắn, lười học, ham hưởng thụ, từ đó dẫn đến vi phạm nội quy nhà trường, bị đuổi học và có trường hợp đã vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự.
Ông Đàm cho rằng điều đặc biệt nhức nhối trong thời gian gần đây chính là tình trạng học sinh đánh nhau mang tính bạo lực, nhiều vụ sử dụng hung khí hoặc đánh nhau có tổ chức, không chỉ nam sinh mà cả nữ sinh.
Giải quyết bài toán khó này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho rằng bên cạnh việc kiên quyết phê phán công khai và xử lý kỷ luật nghiêm đối với hành vi đánh nhau của học sinh, cần giáo dục kỹ năng sống và đạo đức con người cho học sinh.
Dưới góc độ của người bảo vệ pháp luật, thiếu tướng Phạm Thanh Đàm cho rằng Bộ GD-ĐT phải có văn bản hướng dẫn cụ thể về hình thức xử lý đối với những trường hợp đánh nhau (chưa đến mức xử lý theo pháp luật) để bảo đảm thống nhất, có tác dụng răn đe nhưng vẫn tạo điều kiện cho các em sửa chữa khuyết điểm.
Đối với các trường hợp đánh nhau cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... sẽ tùy theo mức độ để có biện pháp xử lý đúng quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý hành chính như đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa ra tổ dân phố, trường lớp làm kiểm điểm.
Bình luận (0)