xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗi đau xé lòng

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

Người chồng, người cha mất tích giữa biển khơi, vợ con ở lại vừa sống với nỗi đau vừa phải bươn chải mưu sinh nặng nhọc...

Trung bình mỗi năm, tỉnh Phú Yên có từ 5 đến 7 ngư dân mất tích trên biển, chủ yếu là những người đi “bạn” (ngư dân làm thuê trên tàu). Trong đó, nhiều người không trở về khi đang câu mực để làm mồi câu cá ngừ đại dương.

“Mẹ ơi! Khi nào ba về?”

Đã hơn 3 tháng qua, kể từ ngày anh Trần Văn Lập (SN 1974, ở Phú Thọ 2, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa - Phú Yên) gặp nạn trên biển, chị Lê Thị Kim Việt (SN 1976) cùng 3 con nhỏ vẫn không chịu tin rằng chồng, cha mình đã mất. Chị không chịu lập bàn thờ dù xã đã làm giấy báo tử cho anh Lập. Chiều chiều, chị cùng các con lại ra cửa ngóng về biển, mong một điều xa xôi. “Biết đâu có ngày nào đó, anh lại trở về với mẹ con tôi” - chị Việt hy vọng.

Khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 1 năm 2012, tàu cá PY-90818-TS của ông Nguyễn Ngọc Liêm (SN 1972, ngụ phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) vẫn gắng trụ lại vùng biển Trường Sa để câu thêm cá. Chiều 25-3-2012, sóng đã bổ ầm ầm vào mạn tàu nhưng vì đã hết mồi câu cá, anh Lập tự nguyện và được thả xuống chiếc thúng chai đưa ra xa tàu hơn 50 m để câu mực làm mồi câu cá ngừ.
20 giờ cùng ngày, thuyền trưởng Liêm đưa tàu đón anh Lập nhưng tìm mãi vẫn không thấy người và thúng chai. Đến sáng hôm sau vẫn không tìm thấy anh Lập, ông Liêm điện đàm về báo tin anh Lập mất tích. “Nghe tin, tôi thấy trời đất như sụp dưới chân mình. Cố giữ thật bình tĩnh để không làm các con buồn, vậy mà nước mắt vẫn cứ trào ra” - lời chị Việt như nghẹn lại.
img

Sau hơn 3 tháng anh Trần Văn Lập bị tai nạn mất tích trên biển, chị Lê Thị Kim Việt

cùng các con vẫn hy vọng một ngày anh Lập trở về

“Tôi nói dối với các con là ba đi tàu lớn, dài ngày mới về nhưng dường như 2 đứa con đầu đều biết, chỉ có đứa con út thỉnh thoảng lại hỏi: “Khi nào ba về?”, tôi lại quay mặt đi để tránh ánh mắt của con”.
Còn với chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1964, ở phường 6, TP Tuy Hòa), cái Tết năm 2011 là cái Tết định mệnh. Trước Tết, chồng chị, anh Dương Văn Giác (SN 1968), quyết định không ăn Tết ở nhà để đi biển, kiếm thêm tiền cho con gái lớn đi thi đại học, con gái út bước vào lớp 10. Nhưng rồi anh không trở về.
Chiều mùng 2 Tết, anh Giác xuống thúng chai để câu mực đến 21 giờ cùng ngày, thuyền trưởng Trần Thành (phường 6, TP Tuy Hòa) đưa tàu PY-90124-TS để đón nhưng chẳng còn thấy anh Giác cùng thúng chai nơi đâu. Tìm kiếm suốt đêm và cả ngày hôm sau vẫn vô vọng. “Tết nhất người ta vui vẻ…, ảnh cố gắng đi biển để kiếm thêm tiền… cho con, nào ngờ… vậy là đi luôn” - chị Hạnh nói ngắt quãng.
Theo ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa, trong 149 đoàn viên nghiệp đoàn đã có 102 đoàn viên là những người đi “bạn”. Cuộc sống của họ vất vả, lại thường phải gặp nguy hiểm trên biển, đặc biệt là trong việc câu mực làm mồi để câu cá ngừ đại dương.
“Mỗi thuyền viên được thả xuống một thúng chai cách nhau hơn 50 m. Mỗi người chỉ có một ngọn đèn leo lét giữa biển đêm. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tai nạn như lốc xoáy, sóng lớn làm lật thúng chai, rồi cá dữ tấn công, kể cả bị tàu lớn không thấy cưỡi qua” - ông Thuẫn nói.

Gánh nặng lên vai người ở lại

Sau tai nạn của chồng, chị Việt đang rửa chén thuê cho một nhà hàng ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) phải bỏ việc để trở về quê. Khi hỏi về đứa con đầu Lê Thị Thu Hằng (SN 1999) mang họ mẹ, chị Việt kể khi vợ chồng cưới nhau, sinh con, chẳng có được cái chòi để ở, phải gửi con về ngoại, nhập khẩu gia đình ngoại nên mang họ ngoại luôn.
Sau hơn 10 năm anh Lập đi biển dành dụm, vay thêm ngân hàng, mới cất được cái nhà nho nhỏ để đưa con về ở cùng thì anh Lập lại ra đi. Giờ đây, để vừa chạy cái ăn, lo chuyện học cho con vừa lo khoản nợ 20 triệu đồng từ ngân hàng, ban ngày chị cuốc đất, làm cỏ mướn, ban đêm 4 mẹ con nhận bóc vỏ hạt điều thuê. “Tôi tính cho con gái đầu nghỉ học để phụ mẹ làm thuê nhưng mỗi khi nhắc đến chuyện nghỉ học là cháu lại khóc. Dù cháu không nói gì nhưng tôi thật khó nghĩ” - chị Việt tâm sự.
Trong khi đó, cháu Hằng cho biết chỉ mong mẹ cho học một buổi, còn một buổi sẽ cùng làm thuê với mẹ, tối về sẽ thức để bóc vỏ hạt điều thuê. “Cháu có thể làm được mọi việc, miễn sao mẹ cho cháu được đi học” - khuôn mặt sạm nắng của cô bé 13 tuổi bỗng chốc sáng lên.
img
Mất lao động chính trong nhà, chị Nguyễn Thị Hạnh phải bươn chải may đồ thuê ở chợ để kiếm tiền nuôi con
Theo ông Phạm Trường Kỳ, Trưởng thôn Phú Thọ 2, xã Hòa Hiệp Trung, thôn cũng đã vận động người dân giúp đỡ để mẹ con chị Việt vượt qua lúc khó khăn này. “Gia cảnh chị Việt lúc này thuộc diện khó khăn nhất trong thôn. Sắp tới, chúng tôi sẽ bổ sung gia đình chị Việt vào diện hộ nghèo”- ông Kỳ nói.
Trong khi đó, đối với gia đình chị Hạnh, sau 17 tháng, hiện vẫn chưa nhận được tiền bảo hiểm thuyền viên của anh Giác. “Tôi gặp anh Thành (chủ tàu) nhiều lần rồi nhưng anh Thành đều nói bảo hiểm chưa chịu giải quyết. Cũng mong nhận được tiền bảo hiểm để trả bớt nợ nhưng chờ mãi vẫn không thấy” - chị Hạnh cho biết. Sau vụ tai nạn của chồng, chị Hạnh bỏ nghề mua bán cá ở bến vì không còn vốn.
Chị chuyển sang may quần áo thuê ở chợ Tuy Hòa. Con gái đầu, sau khi tốt nghiệp phổ thông cũng ở nhà bán quần áo thuê cho một chủ sạp ở TP Tuy Hòa. Cô con gái út, sau khi học hết lớp 9 cũng không có tiền học tiếp, đành bỏ học theo chị bán hàng thuê. “Tôi chỉ mong kiếm được ít tiền cho con gái đầu học trung cấp, sau này có cái nghề để sống. Vậy mà dành dụm mãi cũng không đủ vào đâu” - chị Hạnh ngậm ngùi.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo