xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủy điện băm nát sông Đồng Nai

Bài và ảnh: KIM CƯƠNG

Theo quy hoạch phân bố bậc thang thủy điện sông Đồng Nai, tính từ thượng nguồn sẽ có 10 bậc thang trên dòng chính cùng hai phụ lưu lớn là sông La Ngà và sông Bé. Hiện sông Đồng Nai đang gánh hàng chục công trình thủy điện

Theo báo cáo đánh giá quy hoạch thủy điện quốc gia của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), sông Đồng Nai là sông lớn nhất ở miền Nam, có nguồn thủy năng lớn thứ hai cả nước sau sông Đà. Do đó, các đề án quy hoạch phát triển thủy điện phía Nam hầu hết đều tập trung trên sông Đồng Nai.

img
Đập Trị An không có công trình cầu vượt cho các loài thủy sản

La liệt thủy điện


Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công nghiệp, năm 2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 bậc thang trên sông Đồng Nai với 15 công trình thủy điện. Trong đó, các công trình thủy điện “đàn anh” ở đầu nguồn đang hoạt động gồm: Đa Nhim - 160 MW, Trị An - 400 MW, Thác Mơ - 150 MW, Hàm Thuận - 300 MW, Đa Mi - 175 MW. Ngoài ra, có một loạt công trình đang xây dựng hoặc trong giai đoạn lập dự án đầu tư, như: Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3, 4, 5, 6, 8, Đắk Tih - La Ngâu.


Đó là trên dòng chính, còn các dòng phụ ra sông Đồng Nai cũng chịu áp lực về thủy điện. Trên sông La Ngà cũng được quy hoạch 2 bậc thang thủy điện Bảo Lộc và Trà Mi. Trên sông Bé có thủy điện Thác Mơ, Cầu Đơn và Srok Phu Miêng.

Dự kiến, sau khi hoàn tất, toàn bộ các công trình thủy điện này sẽ phát điện với tổng công suất 2.780 MW và điện lượng trung bình hằng năm 11.381 GWh, đến năm 2010 đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu điện năng của miền Nam.


Với quy hoạch này, từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Đồng Nai, từ dòng chính đến dòng phụ, nơi đâu cũng đụng thủy điện.


Chưa hết, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị UBND huyện Tân Phú và Định Quán xem xét thực hiện 5 công trình thủy điện để khai thác tiềm năng thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai. Dự kiến, sông Đồng Nai đoạn qua Tân Phú và Định Quán sẽ xây dựng các thủy điện Tà Lài, Phú Tân 1, Phú Tân 2, Thanh Sơn và Ngọc Định.

Gặp nhiều vướng mắc, phản đối


Sau khi quy hoạch thủy điện bậc thang được phê duyệt, các đơn vị chủ đầu tư bắt tay vào thực hiện dự án đã gặp nhiều vướng mắc, phản đối từ phía cơ quan chức năng và giới khoa học.


Điển hình như dự án thủy điện Đồng Nai 5 do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) làm chủ đầu tư. Sau khi khảo sát, dự án sẽ gây ngập cho khoảng 200 ha rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên nên EVN phải chuyển dự án lên phía thượng lưu thuộc xã Gia Nghĩa, huyện Đắc R’lấp - Đắk Nông và xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng.

Thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 180 MW do Công ty CP Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. Qua khảo sát, nhận thấy thủy điện có sự tác động đến môi trường do vùng ngập lòng hồ quá lớn làm ảnh hưởng tới rừng quốc gia Cát Tiên nên chủ đầu tư xin hiệu chỉnh quy hoạch thành hai dự án Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nằm tại huyện Đắk R’lấp - Đắk Nông, huyện Cát Tiên - Lâm Đồng và huyện Bù Đăng - Bình Phước.


Còn thủy điện Đồng Nai 8, vào ngày 23-7, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh quy hoạch để giảm thiểu diện tích ngập và hạn chế ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia Cát Tiên; đồng thời phải làm rõ những ảnh hưởng của công trình đối với môi trường sinh thái động thực vật của vườn.

Bộ Xây dựng cho rằng thủy điện Đồng Nai 8 có mực nước bình thường là 124 m, công suất lắp máy chỉ 195 MW, song diện tích đất ngập tự nhiên của lòng hồ lại lớn. Trong dự án này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị hiệu chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Đồng Nai 8 từ một bậc (chỉ có thủy điện Đồng Nai 8) thành 5 bậc thang thủy điện cột nước thấp với tổng công suất lắp máy 164 MW, để hạ diện tích đất ngập còn 361 ha.


Nguy cơ lớn cho TPHCM


Thời gian qua, việc xả đập do bị lũ lớn tại thủy điện A Vương – Quảng Nam và thủy điện Sông Ba Hạ - Phú Yên đã gây hậu quả nặng nề. Do đó, người dân TPHCM và vùng hạ nguồn sông Đồng Nai có lý do để quan ngại nếu sự việc tương tự xảy ra tại các thủy điện trên sông Đồng Nai. Trả lời Báo NLĐ, nguyên cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Nguyễn Ty Niên cũng nhận định: “Hệ thống thủy điện sông Đồng Nai là nguy cơ rất lớn cho TPHCM vì có nhiều bậc thang lớn, trong khi hồ chứa nào cũng rất to”.


Ông Lê Ngọc Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, cho biết gần đây, năm nào huyện cũng xảy ra những trận lũ kinh hoàng vì tình trạng ngăn đập làm thủy điện trên sông Đồng Nai. Hiện một số người dân của huyện này đang rất khổ sở vì không thể ổn định để sinh sống do năm nào lũ cũng cuốn phăng nhà cửa, ruộng nương.


Thạc sĩ Nguyễn Xuân Vinh, quyền Trưởng Phòng Nghiên cứu sinh thái Viện Sinh học nhiệt đới, cho rằng đập Trị An là bậc thang thủy điện đầu tiên trên sông Đồng Nai nhưng lại xây dựng không có công trình cầu vượt (thang cá) cho các loài thủy sản nên đã chặn đường di cư của các loài thủy sản quan trọng và nguồn lợi thủy sản có giá trị.

Còn các đập thủy điện khác đã làm thay đổi sâu sắc về môi trường, chế độ thủy văn vùng hạ lưu, mất các ghềnh, thác nước chảy nhanh và một số vùng đất ngập nước quan trọng. Ông Vinh cảnh báo nếu đập Đồng Nai 3, 4 đi vào hoạt động sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái Bàu Sấu và mất tính đa dạng sinh học của sông Đồng Nai.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo