“Học hỏi” từ nhiều nước(!?)
Trong đề xuất này, VAFI cho rằng nguyên tắc cơ bản mà Việt Nam cần phải xác định ngay từ bây giờ là nếu không có những giải pháp cương quyết, mạnh mẽ trong việc hạn chế sử dụng ô tô, xe máy thì sẽ có ngày (trong tương lai gần) không có đường để đi, mặc dù hằng năm ngân sách Nhà nước bỏ ra hàng trăm ngàn tỉ đồng để phát triển giao thông công cộng. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký VAFI, đề xuất “Phí được quyền mua ô tô, xe máy” được VAFI “học hỏi” từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. “Chúng tôi lường trước những phản ứng từ phía dư luận. Tuy nhiên, đây chỉ là đề xuất và nếu bắt tay vào thực hiện, các cơ quan liên quan (Bộ Tài chính, Bộ GTVT) phải có những giải thích rõ ràng cho người dân thấy hiệu quả của nó” - ông Hải nói.
Bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), cho rằng việc hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông công cộng đã được đề cập trong Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, phương pháp hạn chế như thế nào thì cần phải bàn bạc kỹ lưỡng. Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều biện pháp và sắp tới có thể sẽ có thêm việc thu phí cho Quỹ Bảo trì đường bộ. “Quan điểm hạn chế phương tiện cá nhân là không sai, còn việc thực hiện quan điểm này như thế nào thì cần nghiên cứu, trao đổi” - bà Hiền nói.
Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã phải thốt lên rằng: “Đó là đề xuất gây phản cảm dữ dội trong dư luận”. Ông Hùng cho biết việc VAFI đề xuất “Phí được quyền mua ô tô, xe máy” là hết sức phi lý bởi Việt Nam khác hẳn Singapore hay nhiều nước đang phát triển. Trong khi Singapore đã quá thừa xe nên mỗi năm mới phải đấu giá quyền đăng ký xe thì đối với Việt Nam, xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Hơn nữa, Việt Nam vẫn đang là nước “nghèo” về số lượng ô tô (khoảng 1,8 triệu chiếc) nhưng lại đang có mức giá bán ô tô cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực.
Theo bà Nguyễn Thúy Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Tây Bắc, các quy định hiện hành đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Mỗi khi có chính sách mới thì thị trường xe nhập khẩu lại “đứng khựng” và mức tiêu thụ giảm nghiêm trọng. Ông Nguyễn Định, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, cũng cho rằng Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, giờ thêm đề xuất của VAFI thì quả thực họ bị sốc vì còn lâu người dân mới dám nghĩ đến việc sắm ô tô.
Công dân ai cũng có quyền sở hữu tài sản hợp pháp, vậy mà lại bắt họ phải mua cái quyền ấy! Tại sao không tìm các giải pháp trị tận gốc tai nạn giao thông như cơ sở hạ tầng yếu kém, vi phạm an toàn giao thông, xử phạt không nghiêm, tiêu cực trong cấp bằng lái, cán bộ giao thông chưa làm tròn trách nhiệm...? Đừng bị hội chứng “quản lý không được thì cấm”!
Nguyễn Phúc Huy
Tôi lên TPHCM sống và làm việc hơn 15 năm mà diện tích mặt đường không thấy tăng thì làm sao không kẹt xe? Hồng Gia
Khu vực tôi sinh sống có rất nhiều Việt kiều Mỹ, Pháp, Canada về định cư. Khi tôi nêu “tối kiến” của VAFI ra thì ai cũng cười và lắc đầu nói: “Cao siêu quá, không thể hiểu nổi”. Phương Mai
Đề xuất không tưởng, không phù hợp với chính sách hội nhập quốc tế và làm tăng gánh nặng cho nhân dân. Trần Khánh
Tôi chưa nghe nói nước nào có “phí được quyền mua ô tô, xe máy”, xin ông Hải dẫn chứng cụ thể cho. Nguyễn Tuấn
Ùn tắc giao thông không phải do xe đắt tiền gây ra, có bao nhiêu chiếc xe đắt tiền thực sự tham gia giao thông? Thành Tuy |
Bình luận (0)