Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hằng năm các DN ở TPHCM chiếm dụng từ 200 đến 300 tỉ đồng BHXH. Tính cả nước chiếm dụng BHXH lên tới con số gần 2.000 tỉ đồng. Một số DN ngưng hoạt động, người đại diện của DN bỏ trốn, nên cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ để giải quyết cho thỏa đáng .
Khi DN nợ BHXH khiến người lao động chuyển nơi làm việc hoặc cần chốt lại thời gian để được hưởng chế độ chính sách gặp muôn vàn khó khăn và mất nhiều thời gian. Lấy một ví dụ tại TPHCM, Công ty Kwang Nam nợ BHXH kéo dài từ năm 2003 đến năm 2007, như vậy gần 4 năm mới xử phạt. Được biết, DN này có cả ngàn lao động, số tiền 6% trích từ lương mỗi tháng của người lao động mà DN đã chiếm đoạt không phải số tiền nhỏ. Đó là chưa nói đơn vị này còn khai báo số lượng lao động không đúng với thực tế để né tránh việc phải nộp BHXH. Luật BHXH có quy định, người sử dụng lao động phải đóng BHXH hằng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH và thực hiện quyết toán hằng quý với tổ chức BHXH.
Thiết nghĩ, ngành BHXH nên kiên quyết giải quyết dứt điểm ngay từ đầu khi DN mắc nợ BHXH, kiên quyết không để nợ đọng kéo dài triền miên nhiều năm, số tiền lên đến hàng tỉ đồng mới xử phạt thì đã quá trễ và đưa DN vào tình trạng khó khắc phục hậu quả. Cơ quan BHXH và các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt, đưa ra biện pháp chế tài hữu hiệu buộc DN nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH đầy đủ, đúng hạn.
Chỉ khi nào các DN thực hiện nghĩa vụ BHXH thật đầy đủ, sòng phẳng đối với công nhân thì lúc đó người lao động mới thực sự an tâm sản xuất.
Bình luận (0)