Thông tin bà Vũ Thị Thi (mẹ ruột bị cáo Vũ Văn Tiến, đồng phạm với Nguyễn Hải Dương gây ra vụ thảm sát 6 người ở tỉnh Bình Phước) đi khắp nơi và đã tập hợp được 10.000 chữ ký xin giảm án tử hình cho Tiến khiến dư luận sục sôi. Bên cạnh số ít ý kiến cảm thông với người mẹ tội nghiệp, rất nhiều ý kiến đề nghị bác yêu cầu xin giảm án cho Tiến bởi hành vi của Tiến là không thể tha thứ.
Bản thân tôi cho rằng hành động của bà Thi đáng thương hơn đáng trách. Đáng thương vì xuất phát từ tình mẫu tử, dù biết con mình có hành vi tàn ác, không thể dung thứ nhưng hiếm người mẹ nào có thể ngồi yên chờ con bước vào cửa tử. Ngược lại, bằng mọi cách, hễ còn nước còn tát, người mẹ sẵn sàng hy sinh, gánh chịu khổ đau, những lời miệt thị, những cái nhìn ác cảm…, để con có cơ may được sống.
Giọt nước mắt muộn màng của Vũ văn Tiến tại phiên tòa sơ thẩm (ảnh: Hoàng Triều)
Tuy nhiên, đứng ở góc độ luật pháp, khoan đề cập đến chuyện xác thực của các chữ ký, chắc chắn rằng 10.000 chữ ký hay nhiều chữ ký hơn để xin giảm án cũng không thể “làm lung lay” quyết định của hội đồng xét xử. Bởi pháp luật hình sự đã có những quy định cụ thể về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khi quyết định mức hình phạt đối với từng bị cáo. Mỗi một vụ án được đưa ra xét xử không chỉ nhằm trừng phạt người phạm tội mà còn có tác dụng răn đe, giáo dục đối với xã hội, đồng thời thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Đối với những người không còn khả năng cải tạo, giáo dục thì việc phải loại khỏi xã hội là lẽ đương nhiên. Vì thế, khó có thể chỉ vì những chữ ký xin giảm án mà Tiến được thoát án tử trong phiên tòa phúc thẩm, trừ phi phát sinh tình tiết mới (chưa được phát hiện ở tòa sơ thẩm) phải hủy án.
Bản án dành cho Tiến, Dương cũng là lời cảnh báo để những bậc làm cha, làm mẹ quan tâm đến con cái nhiều hơn, cũng là lời cảnh báo cho những người chưa phạm tội hay có ý định phạm tội.
Bình luận (0)