Thức dậy lúc 4 giờ sáng để chở đất đắp đường làng rồi lại đi đóng giếng máy phục vụ cho bà con tưới tiêu đồng ruộng, trở về nhà lúc 6 giờ... là công việc thường ngày của ông Phan Thế Mỹ (64 tuổi, ngụ thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Từ năm 1997 đến nay, những con đường làng ở đây luôn được ông tôn tạo.
Ông không nhớ mình đã đắp bao nhiêu mét đường, cứ khi nào đường hư thì ông lại nhiệt thành làm việc. Trước kia, khi chưa có đường bê-tông liên thôn, liên xã nên một mình ông lủi thủi đắp đường rất vất vả. Có lúc mất cả 3 ngày ông mới vá xong một điểm sạt lở. Những năm gần đây, có được chiếc xe máy 50 phân khối, ông chế thêm một chiếc xe cải tiến 2 bánh móc vào xe máy để chở đất nên công việc cũng đỡ vất vả. “Thấy đường làng hư hỏng, tụi nhỏ đi học vất vả nên tranh thủ lúc sáng sớm tôi kéo đất đắp lại. Ngó vậy mà đã gần 20 năm” - ông Mỹ hồi tưởng.
Do phải tranh thủ làm vào lúc sáng sớm, trời còn rất tối nên ông Mỹ phải đốt vỏ xe đạp, xe máy cũ để có ánh sáng đắp đường. “Con đường Thanh Niên là tôi thấy tâm đắc nhất kể từ khi làm công việc này. Đây là con đường vào nghĩa trang nhưng rất nhỏ và gập ghềnh. Năm 2003, tôi xin phép UBND xã rồi bắt đầu kéo đất từ những gò hoang gần đó đắp lên và tự đặt tên cho nó là đường Thanh Niên” - ông Mỹ nói. Ông Trần Văn Dũng, trưởng thôn Cẩm Sa, cho biết: “Mọi người rất quý mến và trân trọng tấm lòng của ông Mỹ với bà con lối xóm. Đoàn viên thanh niên trong thôn cũng thường xuyên cùng chung tay với ông trong việc đắp đường”.
Từ năm 2011, khi trạm bơm Tứ Câu của xã bị nhiễm mặn, ông Mỹ đi vận động người dân góp tiền mua được 4 máy bơm dẫn nước tưới cho gần 9 ha lúa của thôn Cẩm Sa và Phong Hồ của xã Điện Nam Bắc mỗi khi vào mùa nắng hạn. “Cứ khi nào nước từ mương thủy lợi không vô được ruộng, ông Mỹ lại vác máy ra giữa đồng bơm nước vô những ruộng lúa đang “khát” dữ dội. Bà con nhìn cây lúa tươi tốt lại cảm kích ông muôn phần” - bà Võ Thị Như Tâm, ngụ thôn Cẩm Sa, kể.
Bình luận (0)