Bà Cúc cho biết nhà số 1A Hồng Lạc, phường 10 do bà Ánh sử dụng, diện tích 20,46 m2. Trong đó, bà Cúc và bà Ánh đang tranh chấp 15 m2 đất, phần diện tích còn lại (5,46 m2) do bà Ánh lấn chiếm. Theo bà Cúc, phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc do cha mẹ bà để lại. Năm 1990, gia đình bà Cúc cho bà Ánh mượn phần đất này để buôn bán gỗ phế liệu.
Do bà Ánh không trả lại đất nên bà Cúc gửi đơn khiếu nại đến UBND phường 10, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Bình. Các cơ quan này đã hòa giải nhiều lần từ năm 1994 đến tháng 5-2015 nhưng không thành. Bất ngờ, ngày 2-6, UBND quận Tân Bình ban hành quyết định công nhận phần đất đang tranh chấp thuộc về bà Ánh.
“Quyết định của UBND quận Tân Bình không khách quan, thiếu cơ sở pháp lý. Cụ thể, phiếu lấy ý kiến của khu dân cư về thời điểm và nguồn gốc sử dụng đất có 4 người ký xác nhận. Trong đó, 1 người là em ruột bà Ánh, một người là anh em cột chèo với em ruột bà Ánh. Hai người còn lại thì một người đã 82 tuổi, không minh mẫn, không sinh hoạt chung tổ dân phố với bà Ánh. Việc lấy ý kiến không được thực hiện đúng quy định. Tờ thỏa thuận ranh giới đất chỉ có 1 người ký và không có xác nhận của UBND phường 10. Đất đang tranh chấp nhưng chính quyền địa phương vẫn cho bà Ánh sửa chữa nhà. Tôi cho rằng đây là tranh chấp dân sự nhưng UBND quận Tân Bình đã dùng quyết định hành chính để giải quyết là không đúng” - bà Cúc bức xúc.
Trong khi đó, bà Trần Thị Ngọc Tuyền, đại diện gia đình bà Ánh, cho biết phần đất đang tranh chấp này trước kia gia đình bà đã đổi cho bà Cúc bằng 2 m3 gỗ. Hiện nay, căn nhà trên phần đất này đã xuống cấp nên gia đình bà xin phép sửa chữa.
Bà Nguyễn Thị Liễu, Chánh Văn phòng UBND quận Tân Bình, cho biết trước các thắc mắc của bà Cúc, UBND quận sẽ kiểm tra, xác minh và trả lời rõ ràng. Còn vấn đề nhà đang tranh chấp vẫn được sửa chữa, bà Liễu cho biết sẽ đề nghị UBND phường 10 báo cáo vụ việc.
Bình luận (0)