Vụ việc khó tin nhưng có thật trên xảy ra tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và đang được cơ quan điều tra làm rõ.
Gà chết “bốc hơi”
Theo đó, rạng sáng 2-7, huyện Nam Sách xảy ra sự cố điện ba pha bị đảo chiều, dẫn đến quạt thông gió tại 2 trang trại nuôi gà của gia đình hai anh em ruột là ông Mạc Văn Quang và Mạc Văn Duẩn (ngụ xã Hợp Tiến) bị quay ngược, gà đẻ chết hàng loạt. Nguyên nhân được xác định do tổ công nhân Điện lực thị xã Chí Linh (Hải Dương) đấu nhầm thứ tự các đầu dây cáp điện. Đơn vị ký hợp đồng bán điện cho 2 trang trại trên là Công ty TNHH Điện Hợp Tiến, khách hàng của Điện lực Nam Sách.
Sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo xã Hợp Tiến và huyện Nam Sách cùng các ngành chức năng có mặt tại hiện trường, xác định gà chết do ngạt. Biên bản hiện trạng lập tại nhà ông Quang sáng 2-7 có chữ ký của Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Hồ Ngọc Lâm ghi rõ số lượng gà chết ở trang trại ông Quang “khoảng” 4.000 con; ở trang trại ông Duẩn “khoảng” 1400 con. Tổng số lượng gà chết là 5.400.
UBND huyện Nam Sách chủ trì cuộc họp giải quyết vụ việc gà chết đối với các bên liên quan, thống nhất Điện lực Hải Dương bồi thường tổng cộng 972 triệu đồng. Ngày 14-8, Điện lực Hải Dương đã trao tiền cho gia đình ông Quang và ông Duẩn.
Tuy nhiên, qua xác minh, tìm hiểu nguồn thông tin số gà chết của gia đình ông Quang và ông Duẩn chỉ khoảng 1.000 con. Vừa qua, ông Nguyễn Trọng Hữu, Giám đốc Công ty Điên lực Hải Dương, đã có văn bản gửi Công an tỉnh Hải Dương đề nghị vào cuộc điều tra; đồng thời “tố” hai gia đình trên có dấu hiệu lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, CQĐT Công an tỉnh Hải Dương đã tổ chức “khai quật” hố chôn và phát hiện số gà chết được đóng bao là… 321 con.
Nghe khai báo rồi ký biên bản
Chiều 4-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Ngọc Lâm cho biết ông có mặt tại hiện trường nhưng chỉ nghe “gia đình khai báo là chính” rồi sau đó ký vào biên bản. “Lẽ ra phải tổ chức kiểm đếm chính xác số lượng gà chết hoặc cân xem tổng trọng lượng gà đã chết là bao nhiêu” - ông Lâm thừa nhận sai.
Về việc cơ quan công an khai quật hố chôn chỉ có 321 con gà, ông Lâm lý giải: “Có thể trong khi mang đi tiêu hủy, gà bị… rơi ở dọc đường hoặc một số hộ dân lấy về ăn vì gà chết không phải do bệnh dịch”.
Tương tự, ông Đặng Thế Linh, Phó Giám đốc Điện lực Nam Sách, thừa nhận: “Tôi có mặt tại hiện trường, đại diện cho lãnh đạo ngành điện nhưng không tiến hành kiểm đếm số gà chết và cũng không tham gia việc tiêu hủy. Tôi ký vào biên bản hiện trạng, biên bản tiêu hủy vì thấy mọi người đã ký”.
Ngoài ra, cả ông Lâm và ông Linh đều thừa nhận cơ quan chức năng không có biên bản kiểm đếm cũng như quyết định tiêu hủy của cấp có thẩm quyền.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương, cho rằng cán bộ thú y không rõ số lượng gà chết, chỉ kiểm tra, xác minh gà chết không phải do bệnh dịch nên không thuộc diện phải tiêu hủy.
Thế chấp sổ lương để bồi thường
Trở lại khoản tiền 972 triệu đồng ngành điện phải bồi thường, qua làm việc với các đơn vị liên quan, chúng tôi được biết ngay sau khi sự cố xảy ra, Điện lực Hải Dương đã tổ chức xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân liên quan. Điện lực thị xã Chí Linh phải bồi thường 2/3 số tiền, tương đương 648 triệu đồng. Trong đó, 4 công nhân tổ điện để xảy ra sự cố phải bồi thường 432 triệu đồng, 4 lãnh đạo Điện lực thị xã Chí Linh 216 triệu đồng. Còn điện lực Nam Sách bồi thường 324 triệu đồng.
Anh Phương Quốc Liêm, công nhân tổ điện, cho biết đã phải thế chấp sổ đỏ của cha mẹ, 2 sổ lương của hai vợ chồng để vay đủ khoản tiền được “phân bổ” bồi thường. Tương tự, anh Vũ Mạnh Trung cũng phải thế chấp sổ lương, vay mượn hơn 60 triệu đồng. Vì vậy, những công nhân này đang trông chờ nhận lại phần lớn số tiền mà họ đã phải bồi thường oan.
Bình luận (0)