Rạch Xuyên Tâm là hệ thống các con rạch liên thông nhau, như: Rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng có chiều dài hơn 8 km. Tuyến rạch chính bắt đầu từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật.
Có mặt ghi nhận ở rạch Xuyên Tâm (đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, quận Bình Thạnh), dù đã đeo nhiều lớp khẩu trang, chúng tôi vẫn choáng váng vì mùi hôi thối xông vào mũi.
Triền miên sống chung với rác thải
Theo quan sát, dưới rạch là rác thải, lục bình nổi lềnh bềnh, dạt vào quanh chân nhà ven kênh của các hộ dân, rồi ứ đọng lại. Bên cạnh đó, những căn nhà quanh con rạch xả thẳng chất thải sinh hoạt xuống dòng nước thông qua những ống dẫn. Giữa trưa nắng gắt, mùi hôi thối từ rác, nước thải và bùn đất trộn lẫn, bốc lên khiến bất cứ ai đi ngang qua đoạn cầu liên phường 2 và 19 (quận Bình Thạnh), dù là người địa phương hay lần đầu đến đây, cũng đều thốt lên: "Thối quá!".
Lúc chúng tôi đến, một người phụ nữ đang cầm bao ni-lông chứa rác ném xuống. Được hỏi, chị thản nhiên trả lời: "Lâu nay ai cũng làm vậy mà, có sao đâu?!".
Rạch Xuyên Tâm (đoạn phường 19, quận Bình Thạnh) ô nhiễm bởi rác thải Ảnh: QUỲNH DAO
Chị Thảo (sinh sống ở phường 19, quận Bình Thạnh) cho biết hiện thành phố bước vào mùa mưa, cũng là thời điểm thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Thỉnh thoảng, lực lượng chức năng có xuống phun thuốc diệt muỗi nhưng chỉ giảm được đôi chút, rồi đâu cũng vào đó. "Sống chung với rác, muỗi, chuột, gián… là chuyện bình thường đối với người dân ở đây" - chị Thảo nói.
Rạch Văn Thánh (từ phường 19, 21, 22, quận Bình Thạnh), rạch Lăng (phường 12, quận Bình Thạnh, tuyến rạch Xuyên Tâm) cũng ô nhiễm nặng, rác thải nhựa, lá cây, cành cây khô, xác động vật… phủ kín bề mặt, làm dòng nước đen ngòm không chảy nổi. Theo người dân ở đây, ngày trước rạch Lăng rất lớn nhưng hiện nay chiều rộng của rạch còn chưa tới 2 m.
TP HCM: Kênh, rạch bị bức tử bởi rác
Kênh Tàu Hũ (dọc tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7); kênh Tẻ (đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7), một số kênh rạch ở quận Gò Vấp (phường 14) cũng rơi vào cảnh tương tự. Dọc tuyến đường Trần Xuân Soạn, hàng chục gia đình sinh sống, buôn bán trên các xuồng ghe đậu, xả thẳng xuống kênh lượng lớn rác thải đủ loại. Ngoài ra còn có rác thải của nhiều hộ dân xung quanh đem đến bỏ lén dọc bờ kênh, rác theo dòng nước chảy về cộng với rác từ các cống ngầm tích tụ theo dòng nước cuốn ra kênh, khiến ngày càng ô nhiễm trầm trọng.
Nếu mỗi người ý thức một chút...
Nghe chúng tôi nói về việc đang đi ghi nhận tình trạng ô nhiễm kênh rạch, bà Nở (ngụ phường 2, quận Bình Thạnh) bảo rằng ô nhiễm là do người dân có thói quen vứt đủ thứ rác sinh hoạt xuống, không tập kết rác trước nhà cho xe rác đem đi xử lý đúng quy định. "Hồi xưa con nít còn nhảy xuống tắm sông, tắm kênh, có người còn bắt cá. Giờ thì ai dám xuống tắm, cá cũng không sống nổi" - bà Nở nói.
Còn theo ông Minh (ngụ phường 22, quận Bình Thạnh), trước năm 1975, nơi này là cù lao, dân cư thưa thớt. Sau này, người dân khắp nơi đến sinh sống, dân ngày càng đông mà đất không thể nảy nở thêm nên người ta xây các khu nhà trái phép, tạm bợ lấn ra rạch Văn Thánh, làm sàn nước, nhà vệ sinh… xả trực tiếp xuống kênh rạch. Sống trên kênh rạch, rác thải vô tư ném xuống, lâu ngày rác bít dòng chảy, gây ô nhiễm. Ngoài ra, xe bán hàng rong, hàng quán gần rạch Văn Thánh cũng "tiện tay" đổ rác thải xuống. Các nhà máy, xí nghiệp nhỏ tại địa phương, không làm hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra rạch. "Bức tử không thương tiếc con rạch, cuối cùng, người ở đây phải hứng chịu hết thảy ô nhiễm" - ông Minh than.
Cũng theo ông Minh, thỉnh thoảng ban chấp hành khu phố hoặc tổ trưởng dân phố báo cáo tình hình kênh rạch lên chính quyền và sau đó có tiến hành nạo vét, phát quang bụi rậm quanh rạch Văn Thánh.
"Nhưng rồi người dân lại xả rác xuống nên có nạo vét bao nhiêu lần cũng bằng không, ô nhiễm vẫn cứ ô nhiễm. Chỉ cần mỗi người ý thức một chút, hiểu rằng giữ gìn vệ sinh chung cũng là giữ gìn môi trường sống sạch đẹp cho mình, cho con cháu mình thì đã không có tình trạng sống chung với ô nhiễm triền miên như vậy" - ông Minh thở dài.
Bà Hoa, ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, bức xúc: "Mỗi lần mưa, triều cường ngập, người dân lại kêu chính quyền nhưng có mấy ai nhìn thấy rạch bị thu hẹp, bị bít dòng chảy dẫn đến không thoát nước có một phần trách nhiệm của mình trong đó? Nhà nước có đổ tiền ra nạo vét đến mấy mà ý thức người dân kém thì không thể cải thiện được môi trường".
Mỗi năm chi hàng trăm tỉ đồng vớt rác
Dù chính quyền TP HCM đã tích cực vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch nhưng tình trạng xả rác xuống kênh rạch vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Trong một cuộc họp báo đầu tháng 6-2022, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM cho biết hiện nay hệ thống kênh rạch của thành phố hứng rất nhiều rác thải. "Hệ thống kênh rạch hiện nay lượng rác xả xuống rất nhiều, gây cản trở dòng chảy và hạn chế khả năng thoát nước. Chúng ta vớt rác hôm trước, hôm sau lại đầy. Việc này tốn kinh phí rất lớn mà nguyên nhân là do ý thức của người dân" - đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP HCM nói.
Được biết, mỗi năm UBND TP HCM phải chi ngân sách hơn 3.400 tỉ đồng cho công tác thu gom xử lý rác và duy tu hệ thống thoát nước. Trong đó, có gần 700 tỉ đồng chi cho việc quét rác và hơn 700 tỉ đồng để vớt rác trên sông, kênh, rạch.
Bình luận (0)