Vừa qua, Báo Người Lao Động nhận được đơn xin cứu xét của gia đình bị cáo Vũ Nguyễn Trường Thiên (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) về việc Thiên bị TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt 9 năm tù về tội “Giết người”. Theo đó, Thiên không thuộc nhân sự của tổ tuần tra an toàn giao thông phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một nhưng vì cùng với một dân phòng tham gia truy đuổi người vi phạm giao thông (NVPGT) dẫn đến tai nạn chết người mà bị lãnh án.
Truy đuổi là cần thiết
Trên thực tế cũng từng có nhiều người tham gia giao thông cùng truy đuổi NVPGT và trong quá trình đó, NVPGT lại gây ra một loạt vi phạm mới với hậu quả có thể nghiêm trọng hơn, điển hình như vụ truy đuổi tài xế taxi ở Hà Nội gây tai nạn rồi bỏ chạy hay như trước đây có vụ 2 dân quân thuộc Ban Chỉ huy Quân sự xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai truy đuổi NVPGT gây tai nạn chết người.
Vấn đề đặt ra là lực lượng nào và trong trường hợp nào có quyền truy đuổi NVPGT?
Theo thạc sĩ Ngô Thế Tiến, nguyên Thẩm phán TAND TP HCM, NVPGT là người công khai, trực tiếp vi phạm pháp luật giao thông nói riêng, vi phạm pháp luật nói chung nên việc truy đuổi NVPGT là cần thiết. Tuy nhiên, để hạn chế nguy hiểm, thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của các thành viên, của xã hội thì pháp luật đã có các quy định cụ thể, như: Phương thức tổ chức tiến hành, phương pháp, quy trình, phương tiện, công cụ hỗ trợ để thực hiện việc truy đuổi; quy trình và giới hạn hành vi của các thành viên khi tiến hành, tham gia truy đuổi tương ứng với hành vi, tính chất, mức độ vi phạm; người tiến hành, người tham gia truy đuổi cần phải biết và thực hiện nghiêm các quy trình, quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ hoặc tham gia…
Quy định còn chung chung
Trong khi đó, thạc sĩ Trần Tuấn Duy, Học viện Cán bộ TP HCM, cho rằng hiện nay, quy định của pháp luật rất chung chung nên có truy đuổi NVPGT hay không phụ thuộc vào cách hành xử của người thi hành công vụ.
“Theo tôi, pháp luật cần có quy định cụ thể về các trường hợp được quyền truy đuổi, người được quyền truy đuổi để tránh việc tùy tiện truy đuổi vượt quá giới hạn pháp luật cho phép. Người có quyền truy đuổi cần hiểu mục đích của việc truy đuổi và phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông cũng như của người bị truy đuổi. Nếu không bảo đảm được điều này thì không được quyền truy đuổi. Cần áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật để xử lý người vi phạm mà không cần sự truy đuổi đến cùng, gây hậu quả đáng tiếc. Ví dụ như quay phim, chụp hình và các biện pháp nghiệp vụ khác để xử lý người vi phạm vào thời điểm khác, không nhất thiết bắt cho bằng được ngay lúc đó” - ông Duy kiến nghị.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết theo pháp luật hiện hành, chưa có điều khoản cụ thể nào quy định về việc lực lượng chức năng (CSGT, các lực lượng CAND khác) khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông được quyền truy đuổi NVPGT. Luật chỉ cho phép CSGT và các lực lượng khác dừng xe của người vi phạm Luật Giao thông đường bộ như không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ... Việc truy đuổi chỉ diễn ra khi một người có dấu hiệu phạm tội hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng (như gây tai nạn giao thông chết người mà bỏ chạy…). Lúc đó, tùy tình hình cụ thể, CSGT hoặc lực lượng chức năng khác quyết định có truy đuổi hay không và phải bảo đảm nguyên tắc an toàn.
“Lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân có vai trò phối hợp, hỗ trợ, giúp lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ khi có yêu cầu, không có quy định nào cho phép những lực lượng này được dừng xe hay truy đuổi NVPGT” - luật sư Đức nhấn mạnh.
Không khuyến khích truy đuổi
Theo trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP HCM, khi phát hiện tội phạm về cướp giật, CSGT có quyền truy đuổi. Tuy nhiên, trong quá trình truy đuổi phải bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, người dân và cả người bị truy đuổi. “Chúng tôi không khuyến khích truy đuổi những NVPGT thông thường. Cán bộ, chiến sĩ CSGT chỉ cần nhanh chóng ghi nhận đặc điểm phương tiện (màu sơn, loại phương tiện, biển số xe…) để xử lý sau. Hiện nay, trên địa bàn TP HCM, các chốt CSGT đều có máy bộ đàm nên khi phát hiện phương tiện vi phạm chỉ cần báo các chốt khác để phối hợp xử lý hoặc ghi hình lại để phạt nguội NVPGT” - ông Phong nói.
Bình luận (0)