Lân la một vài dãy phòng trọ khu vực quanh Làng Đại học Thủ Đức (TP HCM), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện xót xa về những sinh linh đã bị chính bố mẹ tước quyền được sinh ra. Câu chuyện của 2 nhân vật dưới đây là một điển hình.
Sẵn sàng bỏ thai vì tương lai
Hùng và Cúc cùng là sinh viên (SV) năm 3 một trường đại học thuộc ĐHQG TP HCM. Sống chung với nhau được 3 năm, cô gái 20 tuổi phá thai 2 lần.
"Lần đầu tiên, cái thai ở tuần thứ 4, Hùng đề nghị vì tụi em còn quá trẻ, sự nghiệp chưa sẵn sàng, kinh tế chưa ổn định. Vả lại, bố mẹ tụi em cũng không biết chuyện hai đứa sống chung. Cả hai dắt díu nhau đến một phòng khám nằm trong con hẻm nhỏ ở quận Bình Thạnh. Mọi thủ tục giấy tờ và quá trình nạo hút thai diễn ra chỉ trong mấy giờ" - Cúc kể.
Bà mẹ trẻ (SN 2002) và đứa con chưa tròn 1 tháng hiện đang tá túc ở nhà tạm lánh Mai Tiến (Đồng Nai) Ảnh: Ý LINH
Hỏi Cúc cảm nhận thế nào khi quyết định bỏ đi giọt máu của mình, cô nói từng nghĩ là tội lỗi nhưng nghe nhiều người bảo thai còn nhỏ lắm nên không lo nghĩ nhiều.
Hai tháng sau, Cúc phát hiện có thai lần 2 và lại bỏ. Hỏi sao không dùng biện pháp tránh thai, Cúc hồn nhiên: "Hồi năm nhất, em có biết gì về phòng tránh đâu mà sử dụng hả chị? Với lại, tụi em nghe nói mới phá thai không thể "dính" lại ngay được… Sau 2 lần phá thai đó, em mới nghiêm túc tìm cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, em chọn uống thuốc tránh thai và đến nay vẫn "an toàn".
Trò chuyện với một số học sinh (HS), SV về quan hệ tình dục trước hôn nhân và phá thai, hầu hết đều cho rằng chuyện sống thử không còn xa lạ và phải biết cách để tránh mang thai ngoài ý muốn. Cá biệt, có những SV nữ thừa nhận đang sống thử và trong trường hợp xấu nhất sẽ sẵn sàng bỏ thai vì còn tương lai phía trước; SV nam thì cũng "sẽ khuyên bạn gái phá thai bởi đó là cách tốt nhất tránh áp lực cho cả hai và gia đình". Trong khi đó, một số nam sinh các trường THPT tỏ ra ngại ngùng khi nói về đề tài này, thậm chí "chưa bao giờ tìm hiểu về các biện pháp quan hệ tình dục an toàn vì còn ở tuổi HS".
Cần trang bị đủ kiến thức
Theo N.H.H (SV năm 3 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM), kiến thức về giới tính đối với hầu hết HS, SV còn mù mờ, thậm chí sai lệch dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. "Ngày ở trường phổ thông cũng có những buổi sinh hoạt ngoại khóa về giới tính, sức khỏe sinh sản nhưng nặng về lý thuyết, thiếu thực tế, thầy cô ngại nói sâu vào vấn đề này nên học xong vẫn không hiểu gì. Vì vậy, chúng tôi không mấy mặn mà với những buổi học đó. Chỉ những ai "gặp" chuyện rồi mới tự mày mò tìm hiểu, đúng có, sai có và hậu quả xảy ra là chuyện khó tránh" - H. nói.
Còn theo chị Nguyễn Thị Tâm Thi (23 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, nhân viên hãng tàu Sinokor), cha mẹ cần quan tâm giáo dục giới tính cho con khi còn nhỏ để trẻ có cách ứng xử phù hợp. "Khi tôi vào cấp 2, ba mẹ đã dạy kiến thức về giới tính: vệ sinh đúng cách trong kỳ kinh nguyệt, những tình huống có thể xảy ra quan hệ tình dục, nguy cơ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, các biện pháp tránh thai ngoài ý muốn… Thậm chí, trang bị bao cao su để đề phòng tình huống không thể kháng cự... Hiểu những điều này nên tôi biết cách bảo vệ mình và hoàn toàn không tán thành việc quan hệ tình dục trước hôn nhân".
Cùng quan điểm, SV Liêu Lập Chí (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) đề nghị: "Để giảm tình trạng nạo phá thai, bỏ rơi con trong giới trẻ, cái gốc của vấn đề là ngành y tế, giáo dục cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của HS-SV, công nhân về các vấn đề phát sinh từ hành vi tình dục không an toàn, hậu quả nguy hiểm của việc phá thai, tư vấn phòng tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát bao cao su miễn phí…".
Tâm tình, định hướng cho con
Chị N.T.T.N (49 tuổi; quận 5, TP HCM) cho rằng cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách, định hướng giới tính cho con. Trong giai đoạn trẻ dậy thì, cha mẹ nên nói chuyện, trao đổi với con về tâm sinh lý tuổi mới lớn. Thay vì hỏi con được mấy điểm, ép con học thì nên hỏi hôm nay con học có vui không, bạn bè thế nào… và cùng trao đổi cởi mở như những người bạn. Cần thiết, nên hướng dẫn con yêu một cách an toàn, động viên con nên đưa bạn gái hoặc bạn trai về nhà để cùng tổ chức ăn uống, đi chơi với cả nhà, từ đó gần gũi, giải thích cho các con biết yêu là gìn giữ cho nhau.
"Con trai tôi hồi mới học lớp 8 đã yêu cô bạn cùng lớp. Không suy nghĩ thấu đáo, tôi đã lên trường gặp cô chủ nhiệm và bạn gái của con làm ầm lên. Cũng từ đó, tính tình con trai tôi thay đổi, lầm lì, ít nói, từ học giỏi, cháu đứng cuối lớp. Trước đây, khi học về, con huyên thuyên kể đủ chuyện nhưng sau lần bị tôi làm bẽ mặt, nó không kể gì nữa, thậm chí còn to tiếng: "Chuyện riêng của con, mẹ đừng có xen vào!". Tôi ân hận, tự sửa mình, phải một thời gian rất lâu mới có thể lấy lại niềm tin của con" - chị H. kể.
Trịnh Thiệp
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-7
Bình luận (0)