Thông tin thủy điện Ia Krel 2 (thuộc xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) bị vỡ một lần nữa làm dấy lên nỗi lo ngại và bất bình của đông đảo người dân. Hầu như năm nào khi đến mùa mưa bão, chúng ta đều nghe tin thủy điện gặp sự cố. Chính thủy điện Ia Krel 2 cũng đã vỡ một lần vào năm 2013, đe dọa tính mạng của nhiều người dân. Tại miền Trung, năm nào cũng nghe người dân bức xúc phản ánh bị thủy điện xả lũ gây hư hỏng lúa màu. Lợi nhuận của thủy điện rơi vào túi ai mà phải đem tính mạng bao nhiêu con người ra đánh đổi như thế?
Đối với vụ vỡ thủy điện Ia Krel 2, chủ đầu tư cho rằng do mưa lớn gây ra sự cố. Thử hỏi, làm thủy điện mà cứ đổ thừa thời tiết như thế thì còn gì là trách nhiệm? “Hai năm liên tiếp xảy ra sự cố thì thiết nghĩ ngay trong thiết kế, xây dựng, thủy điện này đã có vấn đề. Sau sự cố năm ngoái, các cơ quan chức năng đã có cảnh báo và điều kiện gì buộc nhà đầu tư chấn chỉnh để không xảy ra hậu quả như ngày hôm nay? Trách nhiệm thì ai cũng lảng tránh, còn hậu quả thì đổ xuống người dân” - bạn đọc Nguyễn Thiện thẳng thắn.
Một thông tin gây kinh ngạc hơn nữa vừa được Cục Quản lý tài nguyên nước Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra là phần lớn thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên có thiết kế không phù hợp nên chỉ tạo lũ chứ không thể cắt lũ. Bạn đọc Nguyễn Hoàng Long nhìn nhận: “Bây giờ thì mọi việc đã rõ. Những cam kết của nhà đầu tư khi xây dựng thủy điện như sẽ điều tiết, cắt lũ, không ảnh hưởng đến đời sống của người dân hạ du... chỉ là hão huyền. Thậm chí, không ít cơ quan chức năng liên quan cũng không tiếc lời biện hộ và hứa hẹn đủ điều khi xây thủy điện, giờ đã lộ rõ là vô trách nhiệm. Ai là người chịu trách nhiệm cho những điều này, cần phải làm rõ”.
Bạn đọc Phạm Vụ bày tỏ: “Tôi là người dân sống ở Quảng Nam nên hiểu rõ tác hại của thủy điện. Mùa nắng thì thủy điện tích nước làm hạ du khô cằn, rất khó trồng trọt. Mùa mưa, thủy điện xả lũ ồ ạt làm ngập lụt hàng ngàn héc ta ruộng lúa. Thậm chí, bà con làm đồng ở nhiều vùng không được thông báo xả lũ đã bị nước cuốn trôi. Vào mùa mưa, người dân cứ canh cánh lo “ông” thủy điện xả lũ ẩu thì chết không kịp ngáp”.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Những thủy điện nêu trên đã đóng góp được gì nhiều cho xã hội mà bắt người dân phải trả giá đến thế? Nhiều người phải bỏ làng mạc, ruộng vườn, nhường đất cho thủy điện. Người dân hạ du luôn bị đe dọa đến tính mạng vì thủy điện xả lũ. Nhiều vùng đã bỏ hoang vì không thể trồng trọt... Vấn đề này rất cần được các cơ quan chức năng phê duyệt xây dựng thủy điện giải thích thỏa đáng.
Bình luận (0)