Mỗi buổi chiều, tại Công viên Văn hóa miền Tây (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), nhiều trẻ em đến với trò chơi cảm giác mạnh, như: tàu lượn siêu tốc, đu quay dây, đĩa bay... Tuy nhiên, những ngày qua, lượng khách giảm hẳn. Anh Lê Dũng, phụ huynh thường đưa con đến chơi, cho biết: “Con tôi rất thích trò chơi cảm giác mạnh ở đây nhưng trước thông tin tai nạn tàu lượn tại Cà Mau, tôi không dám cho con chơi nữa”.
Thiết bị cũ kỹ, thiếu an toàn
Trái ngược ở Cần Thơ, có mặt tại một khu trò chơi thiếu nhi ở Trung tâm Văn hóa huyện Giá Rai (Bạc Liêu), chúng tôi ghi nhận hầu hết các khung của trò chơi xe điện, tàu lửa, tàu lượn... đều được làm bằng nhựa, đấu nối với các bánh xe, trục quay bằng bu-lông. Do để ngoài trời, không mái che nên lớp nhựa mục dần. Thế nhưng, nhiều phụ huynh thản nhiên đưa con vào chơi. Nhiều bé mới biết đi chập chững cũng được phụ huynh đặt ngồi vào xe điện đụng. Có bé ngồi không vững, va mặt vào thanh chắn, khóc thét. Cạnh đó, gần chục toa tàu lửa chạy vòng vèo không có người đứng canh, nhiều bé hiếu động chạy ngang đường ray khiến phụ huynh phải lao nhanh ra ôm con. Tại khu nhà hơi, từ trẻ mới biết bò đến những thiếu niên 14-15 tuổi cùng nhún nhảy vô tư. Không ít bé té lộn nhào khi bị những em lớn hơn trượt từ trên cao xuống.
Tương tự, khu vui chơi trẻ em nằm trên đường Lê Thanh Nghị (phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), Công viên 29/3 (Đà Nẵng), Công viên Kim Đồng (TP Huế) và Nhà Thiếu nhi TP Huế... cũng có các trò chơi như tàu điện lượn, tàu lửa trên không, rồng cao tốc trên không, chong chóng quay, vũ trụ bay, quay quăng, cá lắc... Tuy nhiên, theo ghi nhận, hệ thống tàu điện lượn cũ kỹ, vỏ ngoài một số toa tàu hoen ố, chỉ có thanh chắn ngang trên ghế ngồi chứ không có hoặc có nhưng dây thắt an toàn rất lỏng lẻo, nhiều trò chơi mạo hiểm được thiết kế trên nền đất xi măng. Các trò chơi như tàu điện chạy trên mặt đất chỉ có một nhân viên vừa thu tiền vừa điều khiển tàu hoạt động.
Giao hộ kinh doanh chịu trách nhiệm
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề quản lý tại các khu trò chơi, đại diện các nhà văn hóa, công viên đều cho biết ngoài việc kiểm tra định kỳ, cơ quan quản lý yêu cầu các hộ kinh doanh và đơn vị khai thác trò chơi cảm giác mạnh cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người chơi.
“Sau thông tin tai nạn tàu lượn tại Cà Mau, chúng tôi đã cấp tốc tiến hành kiểm tra các loại hình kinh doanh trò chơi trẻ em trong khuôn viên nhà văn hóa, yêu cầu các hộ kinh doanh cam kết tăng cường kiểm tra thiết bị của các trò chơi để bảo đảm an toàn” - bà Lê Thị Thanh, Giám đốc Nhà Văn hóa Thiếu nhi TP Cần Thơ, nói.
Còn theo bà Hoàng Khánh Huệ, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi TP Huế, các trò chơi mạo hiểm ở đây đều do Công ty Sấu Con ở TP HCM sản xuất và lắp đặt. Hằng năm, các chủ đầu tư (tư nhân) thuê công ty sản xuất ra kiểm tra có sự tham gia của Nhà Thiếu nhi TP Huế cũng như các sở, ban, ngành liên quan. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế để hỏi về vai trò quản lý, giám sát kỹ thuật, ông Trần Ngọc Nam - giám đốc sở - khẳng định sở này không được phân công trách nhiệm về quản lý, kiểm tra các thông số kỹ thuật của các thiết bị trò chơi phục vụ cho thiếu nhi. Còn ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu chúng tôi liên hệ với phòng thể dục - thể thao của sở chứ không nắm rõ. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Huế, thừa nhận việc quản lý, giám sát an toàn, quy trình hoạt động của các trò chơi ở Nhà Thiếu nhi TP Huế do đơn vị chịu trách nhiệm nhưng khi chúng tôi hỏi về việc chứng nhận an toàn, công tác kiểm tra..., ông Thắng cho biết chưa nắm rõ và hẹn trả lời vào dịp khác.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các khu vui chơi trẻ em trên địa bàn TP Quy Nhơn đều do Công ty Công viên Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn ký hợp đồng cho cá nhân thuê đất để tổ chức kinh doanh. Tuy nhiên, phần an toàn của các thiết bị bên trong khu vui chơi thì gần như được thả nổi.
Bộ phận nào sai, phải bồi thường
Theo luật sư Cao Thế Luận (Đoàn Luật sư TP HCM), với những vụ tai nạn tại các khu vui chơi, chủ kinh doanh phải có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân. Sau khi có kết luận của cơ quan giám định độc lập và xác định nguyên nhân xảy ra tai nạn ở bộ phận nào: máy móc, lắp ráp, kiểm định, người vận hành... thì bộ phận đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Ví dụ, trước khi vận hành trò chơi, chủ kinh doanh đã đề nghị một đơn vị kiểm định và đơn vị này cho rằng trò chơi an toàn. Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành thì xảy ra tai nạn, trường hợp này đơn vị kiểm định phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cùng với chủ kinh doanh.
Tr.Hoàng
Bình luận (0)