Trong khi đó, tại các chợ ở TP HCM, giá trái hồng loại 1 là 25.000 đồng/kg; loại 2, loại 3 15.000 đồng/kg; nho đỏ trái to từ 40.000-50.000 đồng/kg.
Tôi có người bạn trồng hồng ở Lâm Đồng. Bạn kể thương lái vào mua hồng giòn tại vườn giá chỉ 5.000 đồng/kg, hồng mềm họ không mua. Khi bán hồng giòn, chủ vườn thường bán kèm hồng mềm với giá 2.000 đồng/kg, thậm chí cho luôn. Vừa rồi bạn ra chợ Đà Lạt mua phân bón, phát hiện giá hồng mềm tại đây là 20.000 đồng/kg do khách du lịch rất thích, mua ăn ngay. Tìm hiểu thêm thông tin, bạn mới biết các thương lái bắt tay nhau tung tin thất thiệt, chê hồng mềm để các chủ vườn nản.
Nhiều nhà vườn trồng Hồng ở Đà Lạt được mùa nhưng bị thương lái ép giá. Ảnh: PHẠM HỒ
Trồng trọt gặp mùa không được giá, nông dân chấp nhận lỗ, thậm chí hòa vốn là chuyện bình thường. Thế nhưng, giá cả tại thị trường cho thấy nông dân bị o ép đủ đường và lợi nhuận phần lớn rơi vào túi thương lái. Nông dân suốt ngày cắm cúi với mảnh vườn, thửa ruộng nên khó nắm bắt được giá cả thị trường đối với sản phẩm mình trồng. Điều kiện kinh tế eo hẹp nên họ cũng không thể tổ chức đưa hàng đến các chợ ở TP. Quan trọng hơn, khi đến mùa thu hoạch, họ không thể trì hoãn, chờ giá cao để bán sản phẩm do phải bán gấp để thanh toán các chi phí đầu tư trồng trọt, sinh hoạt gia đình...
Những thiệt thòi này từ lâu các cơ quan chức năng đã thấy nhưng bao nhiêu kế hoạch bao tiêu sản phẩm, đưa thông tin thị trường đến nông dân, kết nối nhà vườn, chợ... đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Thế nên, thương lái vẫn có điều kiện “tung hoành”, kiếm lợi trên mồ hôi nước mắt của nông dân.
Bình luận (0)