Không hề than phiền, không hề đòi hỏi gì, suốt tháng này qua năm khác, ông Phạm Văn Tân (Bảy Tân) cứ miệt mài làm công không cho thiên hạ, những công việc mà người ta xem là nhỏ nhặt, nhếch nhác. Nhưng chính từ những công việc nhỏ nhặt đó lại rất hữu ích cho cộng đồng, xã hội.
Vác tù và hàng tổng
Người dân sống ở khu vực kênh Cầu Mé (phường 3, quận 11) từ mấy chục năm nay đã quen với hình ảnh một người đàn ông dong dỏng, khắc khổ, không có quần áo bảo hộ, chỉ với chiếc móc dài, hằng ngày vớt rác trên dòng kênh nước đen ngòm. Ông không phải là công nhân vệ sinh cũng không ai trả tiền cho ông, việc làm của ông chỉ xuất phát từ những điều thực tế: Thấy rác bẩn thì dọn cho sạch dòng kênh.
Trước đây kênh Cầu Mé vốn là một con kênh đẹp, sạch và nước trong. Từ sau ngày giải phóng, người dân đến sống dọc theo con kênh ngày càng đông. Chính vì vậy mà rác thải và nước bẩn ngày càng đổ xuống dòng kênh này ngày một nhiều hơn.
Không những vậy, rác bẩn và nước thải không qua xử lý từ các nhà máy sản xuất, các làng nghề dệt nhuộm, may mặc, lò luyện nhôm, xưởng sản xuất hóa chất thủ công ở quận Tân Bình và nhiều khu dân cư đông đúc ở phường 3 - quận 11 đổ vào dòng kênh này khiến con kênh ngày càng trở nên ô nhiễm.
Gặp những khi trời mưa to, nước và rác thải từ con kênh không thoát kịp đã tràn lên gây ngập và ô nhiễm nặng những khu dân cư sống hai bên bờ. Khu vực Cầu Mé tiếp giáp giữa phường 3 (quận 11) và phía sau khu B của Công viên Văn hóa Đầm Sen - là nơi trũng nhất - nên thường xuyên bị nước của con kênh này tràn vào gây ngập nặng.
Ông Tân đang vớt rác trên kênh Cầu Mé
Không chịu được cảnh sống chung với rác thải và sự ô nhiễm nặng, ông Bảy Tân đã nhiều năm liền vớt rác tại khu vực này. Ngày nào cũng vậy, dù trời nắng hay mưa, vẫn thấy ông lọ mọ vớt rác. Rác vớt lên được phơi khô rồi gom lại một chỗ, đến khoảng 4 giờ sáng thì ông thức dậy lo đốt rác.
Tuy đã 70 tuổi nhưng ngày nào ông Tân cũng miệt mài với công việc vớt rác của mình. Từ 4 giờ, ông Thức dậy đi đốt rác đã thu gom, đến sáng thì chạy xe đạp đến các tiệm sắt ở quận 6 mua sắt vụn về bán lại kiếm lời từ 40.000-60.000 đồng, đến chiều, ông lại ra kênh Cầu Mé vớt rác, cứ như vậy ông đã cần mẫn với công việc trong suốt gần ba chục năm qua.
Hết lòng vì cộng đồng
Hiện các con ông Tân đều đã có gia đình và ở riêng, chỉ còn vợ chồng ông sống trong căn nhà nhỏ, tuy kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn nhưng ông Tân luôn say mê với công việc vớt rác không công của mình.
Ông Phan Văn Bạch (ngụ số 161D/104/45 Lạc Long Quân, phường 3, quận 11) cho biết: “Nếu không có ông Bảy Tân thì con kênh này đã đặc cứng vì rác rồi chứ đâu được như bây giờ”. Ông Nguyễn Văn Đúng, tổ trưởng tổ dân phố 25, khu phố 2, cho biết thêm ông Tân đã tự bỏ tiền ra làm lan can, tay vịn hai bên thành cầu Mé và lắp 5 bóng đèn khu vực quanh cầu, vì cây cầu Mé bắc ngang đường dẫn vào khu phố này có gầm quá thấp, lại đúng chỗ khúc cua, người đi đường thường bị đụng đầu. Ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường 3, nhận xét: “ Việc làm của ông Tân xuất phát từ ý thức cộng đồng, tạo cho con kênh sạch sẽ hơn để phòng tránh bệnh tật. Việc làm đó khiến nhiều người dân xung quanh noi gương và học tập”.
Khi chúng tôi hỏi đến khi nào ông sẽ thôi làm công việc này, ông Bảy Tân nhìn chúng tôi cười: “Chỉ khi nào tôi không còn sức làm nữa thì tôi mới thôi”. Với những thành tích trong hoạt động xã hội và vớt rác trên dòng kênh Cầu Mé, hằng năm ông Bảy Tân đều được tuyên dương “Người tốt, việc tốt” trong lễ tổng kết cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh ở khu dân cư, nhiều năm liền được nhận danh hiệu “Người tốt việc tốt” của UBND phường 3.
Bình luận (0)