Sáng 7-2, tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy từ trung tâm TP HCM đi huyện Cần Giờ, Vũng Tàu đã được vận hành kỹ thuật trước khi cho khai trương chính thức vào ngày 10-2 tới..
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đây là tuyến tàu cao tốc đầu tiên chạy theo lộ trình TP HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu, giúp người dân ở các địa phương cùng du khách có thêm lựa chọn đi lại, nhất là vui chơi giải trí trong dịp Tết Mậu tuất 2018.
Tàu cao tốc Greenline DP được vận hành kỹ thuật sáng 7-2
Công ty TNHH Công nghệ Xanh Greenline DP (chủ đầu tư dự án), cho hay trên tuyến có 10 phương tiện, trong đó gồm 3 tàu loại có sức chở 50 khách; 2 tàu loại có sức chứa 96 khách và 3 tàu loại 151 khách. Ngoài ra, còn thêm 2 xuồng cao tốc với sức chở 15 khách/xuồng.
Trên tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy, các phương tiện có sức chở từ 50 tới 151 khách/tàu
Chủ đầu tư khẳng định tuyến vận tải này khi đưa vào hoạt động chính thức, mỗi ngày dự kiến sẽ có 10 chuyến từ trung tâm TP HCM tới Vũng Tàu, 4 chuyến tới Cần Giờ và 4 chuyến từ Cần Giờ qua TP Vũng Tàu.
Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, số chuyến cùng các phương tiện vẫn hoạt động bình thường, các chính sách khuyến mãi cho từng đối tượng cụ thể cũng sẽ được áp dụng.
Đặc biệt, trên tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch này, chủ đầu tư trước đó đã thuê tư vấn nước ngoài thiết kế và hiện đã được thẩm định các tiêu chí về an toàn kỹ thuật. Trong đó, có đánh giá theo đặc thù sông ngòi tại khu vực miền Nam.
"Trên các phương tiện đều được gắn camera nhằm theo dõi tình hình giao thông xung quanh cũng như phục vụ việc giám sát của cơ quan quản lý trong quá trình hoạt động. Chúng tôi cũng cam kế không chở quá tải và nếu thời tiết không đảm bảo sẽ tạm ngưng hoạt động nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn" - Chủ đầu tư nhấn mạnh.
Tại điểm đầu thuộc bến Bạch Đằng, việc thi công đang được gấp rút thực hiện
Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm đầu tuyến là khu vực cầu cảng số 2 - bến Bạch Đằng (quận 1) - hiện các đơn vị đang gấp rút thi công các hạng mục cuối cùng, dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 10-2 để phục vụ tuyến vận tải khi đưa vào khai thác.
Riêng trên các phương tiện cũng được trang bị đầy đủ áo phao, các bảng thông tin hướng dẫn cũng như một số tiện ích khác như tivi, quầy bán đồ ăn...
Túi đựng áo phao được trang bị dưới mỗi ghế ngồi
Theo chủ đầu tư, trong năm 2018, đơn vị sẽ phấn đấu đạt sản lượng hành khách vào khoảng 500.000 lượt và nâng lên 1 triệu khách vào năm 2020.
Ngoài tuyến vận tải này, chủ đầu tư cũng thông tin đang có định hướng mở thêm một số tuyến từ trung tâm TP HCM tới huyện Củ Chi hoặc khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long.
Cự ly và giá vé
Tuyến vận tải này có cự ly 85 km, với điểm đầu từ bến Bạch Đằng đi qua các sông Sài Gòn, Nhà Bè, Long Tàu, Ngã Bảy rồi đến bến Tắc Suất (huyện Cần Giờ).
Sau đó, từ vị trí này sẽ tiếp tục di chuyển qua mũi Gành Rái để tới bến Khu Du lịch cáp treo Hồ Mây (TP Vũng Tàu).
Khi đưa vào khai thác, giá vé từ bến Bạch Đằng đến Tắc Suất và ngược lại sẽ áp dụng là 200.000 đồng/người/lượt đối với khách vãng lai.
Các đối tượng có hộ khẩu hoặc công tác tại huyện Cần Giờ, người lớn tuổi, trẻ em 6-11 tuổi có người lớn đi kèm được giảm 50% giá vé. Riêng những người là thương binh, khuyết tật, Mẹ Việt Nam Anh hùng, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được miễn vé.
Giá vé từ bến Tắc Suất đi đến Hồ Mây (TP Vũng Tàu) và ngược lại lần lượt theo theo các đối tượng như trên là 100.000 đồng; 50.000 đồng và miễn vé.
Bình luận (0)