Theo ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đề án BSGĐ đang được thực hiện là một trong những hoạt động giúp giảm tải tại các cơ sở y tế. Từ năm 2013-2015, ngành y tế sẽ thí điểm mở 80 phòng khám BSGĐ tại 8 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Tiền Giang. Có nhiều mô hình linh hoạt cho phòng khám BSGĐ như phòng khám thuộc các cơ sở khám chữa bệnh công lập, phòng khám BSGĐ lồng ghép chức năng với trạm y tế xã đặc biệt là phòng khám BSGĐ tư nhân.
Khám cả bệnh nhân BHYT
“Lâu nay, phòng khám bác sĩ tư là dịch vụ tự chi trả của người bệnh nhưng khi tham gia hệ thống BSGĐ, các phòng khám này sẽ tiếp nhận cả bệnh nhân BHYT. Hiện BHXH đang xây dựng các tiêu chí cụ thể để quỹ BHYT tham gia chi trả cho khu vực phòng khám bác sĩ tư tham gia mô hình BSGĐ” - ông Tường nói.
Với mô hình này, BSGĐ sẽ có vai trò khám chữa bệnh ban đầu; theo dõi, chăm sóc các bệnh mãn tính; tư vấn phòng ngừa bệnh tật, tham vấn loại bỏ các hành vi nguy cơ giúp người dân trong cộng đồng có thể tự bảo vệ chăm sóc sức khỏe. BSGĐ còn thực hiện khám bệnh tại nhà cho người bệnh và tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. “Mô hình BSGĐ sẽ lấp vào những dịch vụ y tế rất thiết yếu vẫn bị bỏ trống lâu nay” - ông Tường nhấn mạnh.
PGS-TS Phạm Lê An, Trưởng Trung tâm Đào tạo BSGĐ (Trường ĐH Y Dược TPHCM), cho biết để đáp ứng được nhu cầu mới, BSGĐ là những sinh viên y khoa được đào tạo bác sĩ đa khoa 6 năm, sau đó được đào tạo thêm về chuyên ngành y học gia đình. BSGĐ được trang bị đầy đủ kiến thức về điều trị ngoại trú các chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, sản khoa và nhi khoa, về các vấn đề sức khỏe thường gặp. Sau khi khám ban đầu, họ có kinh nghiệm lâm sàng để định hướng cho bệnh nhân đi đúng chuyên khoa cần khám nếu tình trạng bệnh nhân vượt quá khả năng chuyên môn.
Theo TS An, BSGĐ không phải dành cho những gia đình khá giả, có tiền như nhiều người vẫn nhầm tưởng. Bởi ngoài tầm soát bệnh sớm, chăm sóc ban đầu, chăm sóc liên tục cho toàn bộ gia đình, hợp tác điều trị với các chuyên khoa khác khi cần, BSGĐ còn có vai trò tư vấn tâm lý cho người bệnh. “Với những chức năng này, người dân sẽ được chẩn đoán sớm, sức khỏe được nâng cao, ít ốm đau, ít phải chi phí cho bệnh nặng. Như vậy, kể cả người có thu nhập thấp cũng rất có lợi” - TS An nói.
Băn khoăn chất lượng
Bác sĩ Nguyễn Hùng Vĩ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, cho rằng lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ có bệnh mới tìm đến bác sĩ nhưng với mô hình BSGĐ, không chỉ bệnh nhân tìm đến mà bản thân BSGĐ cũng phải tìm đến các gia đình bệnh nhân mà họ quản lý.
Tại Tiền Giang, mô hình BSGĐ sẽ được triển khai trong tháng 5-2013 ở 5 điểm. Dự kiến, bước đầu sẽ có 25.000-30.000 người được BSGĐ theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh thường xuyên. “Trước mắt, chúng tôi đề ra kế hoạch mỗi BSGĐ chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, khám chữa bệnh cho 500 người” - bác sĩ Vĩ nói.
Đề án BSGĐ có phần phát triển từ trạm y tế xã nhưng chất lượng của trạm y tế xã, phường vẫn chưa tốt. Bộ Y tế từng thừa nhận dù tỉ lệ trạm y tế xã có bác sĩ là trên 70%; thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động đạt trên 85% nhưng hoạt động ở những nơi này chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Ngay cả bệnh viện huyện cũng còn vắng vẻ chứ chưa nói tuyến xã. Vì thế, phát triển mô hình BSGĐ phải kèm theo nhiều điều kiện khác như bác sĩ, cơ sở vật chất… mới thuyết phục được người dân.
Đáp ứng 80% nhu cầu Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 10% cuộc khám đầu tiên với BSGĐ cần chuyển khám các chuyên khoa khác và bệnh viện. Khi BSGĐ phát huy vai trò thì sẽ đáp ứng được ít nhất 80% nhu cầu khám sức khỏe của người dân tuyến dưới. Lúc đó, các bệnh viện sẽ có thời gian khám chữa bệnh cho các ca bệnh nặng đúng với vai trò chuyên sâu của mình. Nhờ đó, chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên, tình trạng quá tải giảm bớt. |
Bình luận (0)