Phòng khám Đa khoa Maria đóng cửa tạm nghỉ vì lý do sửa chữa sau khi xảy ra việc chị Ph. tử vong. Ảnh: Ngọc Thắng
Bác sĩ “mất tích”
Theo người nhà chị Ph., chiều 14-7, sau khi đi làm về, thấy người mệt mỏi nên chị Ph. đã đến Phòng khám Đa khoa Maria để khám. Cuối giờ chiều, chị Ph. gọi điện về nhà cho biết mình đang trong tình trạng không ổn. Tuy nhiên, khi gia đình chị Ph. đến phòng khám thì bị một số nhân viên ở đây ngăn cản không cho vào phòng chị đang điều trị. Gần 1 giờ sau, một nhân viên phòng khám mới cho biết chị Ph. đã tử vong.
Sau khi sự việc xảy ra, Công an quận Đống Đa đã có mặt tại phòng khám để làm rõ nguyên nhân. Theo thông tin ban đầu, chị Ph. thanh toán tiền khám, điều trị vào khoảng gần 19 giờ ngày 14-7, sau đó được chỉ định truyền 3 chai dịch, làm điện tâm đồ và một số thủ thuật khác với tổng số tiền gần 9 triệu đồng. Công an quận Đống Đa đã triệu tập những người tham gia điều trị cho bệnh nhân Ph. Tuy nhiên, 2 bác sĩ người Trung Quốc điều trị chính đã không có mặt và khi công an đến nơi tạm trú của 2 bác sĩ này thì cửa khóa.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết hôm nay (16-7), cơ quan này sẽ có thông tin chính thức về nguyên nhân tử vong của chị Ph., đồng thời sẽ cùng với cơ quan công an làm rõ trách nhiệm của phòng khám.
Sáng 15-7, Phòng khám Đa khoa Maria đã thông báo “tạm nghỉ để sửa chữa”. Trong khi đó, một số người dân cho biết nhiều nhân viên của phòng khám đã thu dọn đồ đạc rời khỏi hiện trường, để mặc hàng chục bệnh nhân đang trong quá trình điều trị hoặc trở lại điều trị theo lịch hẹn.
Thu phí giá “cắt cổ”
Đơn giá dịch vụ gần 9 triệu đồng mà chị Ph. nộp trước khi tử vong
Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TP Hà Nội nhận được đơn tố cáo Phòng khám Đa khoa Maria của chị Đ.T.K.Q (35 tuổi, ngụ quận Đống Đa). Theo đơn tố cáo, sau khi đi kiểm tra vòng tránh thai, chị Q. được một bác sĩ người Trung Quốc chẩn đoán bị sùi mào gà và có dấu hiệu ung thư. Chị Q. đã phải chi trả gần 24,4 triệu đồng cho 4 ngày điều trị. Sau đó, bác sĩ người Trung Quốc yêu cầu điều trị thêm 15 ngày nữa nhưng do không đủ sức chi trả, chị Q. đến một bệnh viện Nhà nước kiểm tra thì được kết luận sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, đến thời điểm này, Maria là một trong số 3 phòng khám đa khoa tại Hà Nội có bác sĩ người Trung Quốc làm việc. Ông Cường cho biết thêm qua kiểm tra 6 tháng đầu năm 2012 tại 10 phòng khám đông y có bác sĩ Trung Quốc làm việc trên địa bàn TP Hà Nội, Thanh tra Sở Y tế TP đã phát hiện và xử phạt 4 cơ sở sai phạm. Lỗi vi phạm ở các phòng khám này thường là sử dụng bác sĩ người nước ngoài chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam; thu dịch vụ cao hơn giá niêm yết hoặc không niêm yết giá; quảng cáo không đúng phạm vi chuyên môn được cấp phép và ghi chép hồ sơ bệnh án người bệnh không đúng, không đầy đủ. Kịch bản đã được Sở Y tế TP thẩm định nhưng khi quảng cáo, một số phòng khám đã thay đổi với nội dung thổi phồng so với những gì đã được cấp phép, nhất là hình ảnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và dịch vụ khám - chữa bệnh” - ông Cường nhấn mạnh.
Cả nước có 41 thầy thuốc Trung Quốc hành nghề Theo Bộ Y tế, đến thời điểm này, cả nước có 41 thầy thuốc Trung Quốc đang hành nghề tại 16 tỉnh, thành. Trong đó, TPHCM nhiều nhất với 11 người hành nghề ở 7 cơ sở, Hà Nội có 7 người hành nghề ở 5 cơ sở, Hải Phòng có 4 người hành nghề tại 3 cơ sở, TP Cần Thơ có 4 người... |
Bình luận (0)