Trong những ngày qua, cư dân mạng bức xúc vì hình ảnh thẻ lên tàu đường sắt Cát Linh- Hà Đông có in chữ Trung Quốc trên chữ Việt Nam.
Về vấn đề này, Ban Quản lý dự án đường sắt cho rằng sau khi sự việc xảy ra mới phát hiện, họp nghiêm khắc kiểm điểm tổng thầu đã để cho một số người không liên quan lên tàu và phát thẻ lên tàu có in dòng chữ Trung Quốc trước, chữ tiếng Việt sau. Vậy trách nhiệm của ban quản lý ở đâu?
Thẻ lên tàu in dòng chữ Trung Quốc trước, chữ tiếng Việt sau
"Dự án không có ai kiểm tra kiểm soát ư? Lãnh đạo đi sau sự việc xảy ra và sau dư luận thì trách nhiệm thế nào?"- bạn đọc Bao Hồng phẫn nộ.
Đặt vấn đề về trách nhiệm của ban quản lý, bạn đọc Sao Mai hỏi: "Chữ Trung Quốc trên thẻ lên tàu Cát Linh - Hà Đông do tổng thầu Trung Quốc tự ý in. Vô lý quá, tàu của mình mà tại sao người khác in vé ?". Trước việc ban quản lý ngỡ ngàng với thẻ lên tàu này, bạn đọc Duy thắc mắc: "Tôi thấy con dấu in bằng Tiếng Việt: Vậy ai đóng dấu cho thẻ lên tàu ?".
Thời gian qua, đoạn đường sắt này xảy ra rất nhiều vấn đề khiến dư luận chú ý. Chưa hết những tai tiếng về tai nạn xảy ra trong quá trình thi công thì nay lại lùm xùm chuyện thẻ lên tàu. Bạn đọc Tài đặt vấn đề: "Đoạn đường sắt chỉ có 13 km do Trung Quốc tổng thầu sao xảy ra nhiều chuyện không giống ai. Cần xem xét trách nhiệm ban quản lý dự án".
Bạn đọc Kim Thanh chua chát: "Mèn ơi, đây là Việt Nam mà người lạ lại ngang nhiên in vé bằng chữ Trung Quốc ? Đến khi báo chí phát hiện thì cơ quan chức năng lại trả lời theo kiểu "chống chế" nghe rất vui tai..."
Việc người dân đặt câu hỏi trách nhiệm người đứng đầu ban quản lý dự án và những lãnh đạo của ban này là hoàn toàn thỏa đáng. Vấn đề ở chỗ trong quá trình tổng thầu thi công đoạn đường sắt 13 km này thì ban quản lý dự án làm gì, ở đâu mà để xảy ra chuyện thẻ lên tàu bằng song ngữ và tổng thầu ngang nhiên cho những người không có trách nhiệm lên tàu? Lúc đoàn tàu chạy thử và người lạ lên tàu, lực lượng của ban quản lý dự án ở đâu? Ngoài ra, nếu những người không có chức năng, nhiệm vụ bước lên đoàn tàu này không may gặp sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Chính vì thế, những giải trình của ban quản lý dự án khó mà nghe lọt tai và dư luận không thể chấp nhận kiểu làm việc vô trách nhiệm này.
Theo báo cáo của tổng thầu, sáng 11-8, tổng thầu tổ chức hoạt động công đoàn tại trụ sở của tổng thầu để phát động thi đua, động viên cán bộ công nhân viên (CBCNV) nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm và mục tiêu của dự án. Nhằm động viên tinh thần CBCNV với kết quả thi công đã đạt được trong thời gian qua, tổng thầu đã tự ý mời CBCNV của tổng thầu và người thân cùng tham gia đi trên tàu. Để kiểm soát người lên tàu, tổng thầu đã dùng thẻ lên tàu; thẻ này chỉ có giá trị trong ngày 11-8.
Để tránh không xảy ra sự việc tương tự, Ban Quản lý dự án (QLDA) Đường sắt đã tổ chức họp chấn chỉnh, nghiêm khắc phê bình tổng thầu và có văn bản yêu cầu tổng thầu tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch được phê duyệt. Các công việc triển khai không theo kế hoạch, tổng thầu phải báo cáo và được Ban QLDA Đường sắt chấp thuận trước khi thực hiện. Việc sử dụng, phát hành tài liệu, thông tin liên quan đến dự án phải thực hiện theo đúng điều kiện hợp đồng. Tại cuộc họp, tổng thầu đã nhận trách nhiệm về sự việc nêu trên và cam kết không tái diễn.
Bình luận (0)