Đánh giá hành động của ông Trần Minh Thành (nhân viên bảo vệ một ngân hàng ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng bị cướp đâm chết), ông N.T.N (làm bảo vệ tại một ngân hàng) nói đó là hành động dũng cảm nhưng vì tên cướp quay lại đâm bất ngờ nên ông Thành không phản ứng kịp.
Vừa bảo vệ tài sản công ty vừa tránh thiệt thân
Cũng theo ông N., khâu nhận dạng ban đầu đặc biệt quan trọng. Khi khách hàng bước vào, bảo vệ phải yêu cầu họ tháo mũ bảo hiểm, mũ áo khoác trùm đầu để thấy mặt. Với các đối tượng "choai choai", xăm trổ, phải chú ý đặc biệt và sẵn sàng báo động, khống chế ở cửa chính. Bảo vệ ngân hàng cần có biện pháp để vừa bảo vệ được tài sản cho công ty vừa tránh thiệt thân.
"Trong trường hợp cướp có vũ khí, cần xác định không có gì quý hơn mạng sống con người. Bị cướp khống chế thì nên thực hiện theo yêu cầu của chúng rồi lựa cách báo động, chống trả" - ông N. chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty Bảo vệ Thuận Việt (TP HCM), đánh giá nghề bảo vệ là nghề bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của khách hàng nên việc trang bị kỹ năng cho lực lượng này là rất cần thiết. Đặc biệt ở những nơi như ngân hàng, tiệm vàng…, bảo vệ phải ở độ tuổi từ 20 - 45, thể hình và sức khỏe, được đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp. Ngoài ra, được trang bị công cụ hỗ trợ như gậy bấm, gậy cao su, súng điện hoặc roi điện.
"Bảo vệ cần được huấn luyện 3 tháng trước khi làm việc. Sau đó, từ 3-6 tháng, công ty kết hợp với lực lượng công an tiếp tục huấn huyện họ trong thời gian ngắn, ví dụ như các thế võ để khống chế tội phạm. Tùy độ tuổi, sức khỏe mà bố trí ở những vị trí bảo vệ phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay công tác tuyển dụng bảo vệ, trong đó ở một số công ty bảo vệ chưa chặt chẽ" - ông Kiệt nhìn nhận.
Còn theo ông Nguyễn Duy Tư, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ An ninh (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), căn cứ giáo trình đã được Bộ Công an thẩm duyệt, mỗi nhân viên bảo vệ được huấn luyện khoảng 1 tháng trước khi nhận nhiệm vụ, bao gồm cả huấn luyện võ thuật và chấp hành pháp luật trong việc phòng vệ chính đáng. Mỗi 6 tháng sẽ tổ chức kiểm tra một lần đối với nhân viên bảo vệ ngân hàng.
Lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng đến thăm, trao hỗ trợ cho gia đình ông Trần Minh Thành.Ảnh: Hải Định
Cần cho phép trang bị công cụ nhiều hơn
Luật sư Phan Hòa Nhựt, Giám đốc Công ty Luật TNHH The Law, thông tin hiện pháp luật chưa có văn bản để điều chỉnh cho tất cả những người làm nghề bảo vệ. Chỉ mới quy định ở một số trường hợp cụ thể trong các công ty bảo vệ theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP và 06/2013/NĐ-CP.
Nói về những khó khăn của nghề bảo vệ, ông Nguyễn Nho, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Việt Mỹ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) băn khoăn nghề bảo vệ đang thiếu giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ, nhân viên bảo vệ chỉ được trang bị gậy ba trắc, roi điện nên khi gặp tình huống nguy hiểm thường bị động.
Đồng tình, ông Nguyễn Duy Tư cho biết việc cấp giấy phép sử dụng súng bắn đạn cao su, súng bắn hơi cay đang rất hạn chế. Trong khi đó, mỗi bảo vệ ngân hàng đều cần có súng để ứng phó với tội phạm. Ông Tư cũng cho rằng hiện nay hầu hết ngân hàng chỉ bố trí 1 bảo vệ/ca làm việc. Cần tối thiểu 2 bảo vệ/ca mới có thể xử trí khi có cướp.
Theo đại diện lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng, lực lượng công an thường xuyên tập huấn cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng công tác cho lực lượng bảo vệ. Qua các đợt tập huấn, rà soát, kiểm tra, cấp mới giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho lực lượng bảo vệ đạt yêu cầu.
Lương quá thấp
Theo ông Nguyễn Duy Tư, mức lương hiện tại của nhân viên bảo vệ tại Đà Nẵng chỉ khoảng 17.000 đồng/giờ.
Tại TP HCM, anh Trần Văn Minh, 32 tuổi (quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) làm bảo vệ tại cửa hàng quần áo trên đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết thời gian đầu được trả lương 23.000 đồng/giờ, chỉ đủ trả tiền phòng trọ và ăn uống tằn tiện. "Mấy tháng nay, chủ cửa hàng thương tình ký hợp đồng lao động, lương cố định và được đóng BHYT, BHXH. Công việc chủ yếu dắt xe, trông giữ xe cho khách" - anh Minh kể.
Nạn nhân có đủ điều kiện công nhận liệt sĩ?
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho hay điều kiện, tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ hiện nay được áp dụng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 và Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
"Mặc dù 2 tên cướp rất hung hãn, dùng súng để tấn công nhưng ông Thành vẫn dũng cảm ngăn cản. Khi 2 tên cướp bỏ chạy, ông đã cùng một số người dân truy bắt. Một trong hai đối tượng đã rút dao tấn công khiến ông Thành tử vong. Hành động của ông Thành trong trường hợp này là rất dũng cảm để ngăn chặn và bắt giữ các đối tượng cướp tài sản của ngân hàng, nơi ông làm nhiệm vụ bảo vệ. Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, tôi thấy rằng ông Thành có đủ tiêu chuẩn để được xem xét, công nhận liệt sĩ" - luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.
Bình luận (0)