Nhiều bạn đọc đã chia sẻ nỗi đau đớn, mất mát của gia đình cô bé; đồng thời bày tỏ sự xót xa, tiếc nuối bởi quyết định dại dột của một học sinh mới 18 tuổi.
Bạn đọc Lê Bá Dũng viết: "Đau lòng quá, không đậu trường này thì học trường khác, tấm bằng đại học chỉ là tấm vé bước vào đời thôi, không quyết định được tương lai của một người, sự thành công hay thất bại là do chính bản thân chúng ta quyết định".
Theo nhiều bạn đọc, có thể áp lực của kỳ thi và sự kỳ vọng quá nhiều nhưng không đạt được khiến cô bé nghĩ quẩn. Hy vọng câu chuyện đau lòng này cũng là bài học cho các bậc phụ huynh lẫn học sinh. Bạn đọc Thủy Tiên "giật mình" bộc bạch: "Tôi cũng có 2 con đang học cấp 3. Đọc tin mà ngộ ra nhiều chuyện, bấy lâu nay tôi hay đòi hỏi con mình thế này, thế nọ. Mong rằng qua câu chuyện thương tâm này, các bậc phụ huynh đừng đặt áp lực thành tích lên vai con em mình".
Còn theo bạn đọc Lê Tâm, đây là bài học đắt giá để các trường quan tâm hơn nữa việc giáo dục công tác tư tưởng, tâm lý khi chọn trường, khi thi, đặc biệt là giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.
Đồng quan điểm, bạn đọc Dungtrinh bổ sung thêm: "Năm cuối cấp lớp 9 hoặc 12, các trường nên tăng cường giảng dạy tâm lý, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp cho học sinh".
Gia đình, xóm làng tổ chức lễ tang cho em N.T.H (nữ sinh treo cổ tự tử sau khi biết điểm chuẩn)
Bạn đọc Le Van thì cho rằng: "Xã hội nói chung, ngành giáo dục nói riêng cần sớm điều chỉnh lại suy nghĩ bằng mọi cách, mọi giá phải vào đại học, phải có tấm bằng đại học. Quan trọng là cần học 1 trường, có 1 nghề phù hợp năng lực mỗi người".
Một số bạn đọc cũng cho rằng nhà trường và các tổ chức xã hội, kể cả những cơ quan truyền thông nên tăng cường hơn nữa thông tin tuyên truyền, giáo dục phù hợp lứa tuổi để trang bị kiến thức về kỹ năng sống, giá trị cuộc sống cho học sinh ở ngưỡng cửa vào đời.
Bình luận (0)